Nhiều thách thức trong phát triển du lịch bền vững Nam Trung Bộ
- 1.000 tour du lịch trong và ngoài nước giá 0 đồng
- Đưa nhiều tour du lịch khai thác giá trị văn hóa Hà Nội vào hoạt động
- Cần "liều thuốc đắng" cho văn hóa ứng xử trong du lịch Đà Lạt
Hội thảo là một trong những hoạt động bên lề Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2018 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham gia của đông đảo các đơn vị lữ hành, người làm quản lý, hoạt động du lịch trên cả nước.
Bãi biển đẹp hoang sơ của Quy Nhơn - Bình Định |
Thống kê cho thấy, chỉ riêng tháng 2-2018, Phú Yên đã đón trên 83.000 lượt khách. Với Bình Định, con số thống kê cũng đã lên đến gần 3,5 triệu lượt người trong năm 2017. Đây là những con số mà hơn chục năm trước, người làm du lịch có “nằm mơ” cũng ít nghĩ đến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, bà Nguyễn Thị Xuân Lan chia sẻ.
Hội thảo về du lịch Nam Trung Bộ tại Hà Nội ngày 28-3 |
Cũng theo bà Xuân Lan thì Nam Trung Bộ có rất nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc, kể cả về thiên nhiên lẫn bản sắc văn hóa, con người. Sự yên bình của phố biển, những bãi tắm đẹp nguyên sơ ôm lấy lòng thành phố, các ngôi cổ tự, đền tháp cổ kính của đế chế Chăm Pa, những cung đường uốn lượn với một bên là biển, một bên là núi trập trùng… hấp dẫn vô cùng với khách thập phương, đặc biệt là du khách Nhật Bản, Pháp.
Sự đa dạng về sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến Nam Trung Bộ nhiều hơn |
Người làm du lịch đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức các tour du lịch phong phú về nội dung, đáp ứng nhiều đối tượng du khách. Cụ thể, ngay từ khi phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mới tung trailer giới thiệu với rất nhiều hình ảnh đẹp lãng mạn của Phú Yên, nhiều đơn vị làm du lịch đã “rục rịch” lên kế hoạch thu hút khách. Đến nay, hàn trăm tour du lịch đặc sắc thu hút khách đến Nam Trung Bộ đã được khai thác:Về xứ Nẫu ngắm hoa vàng cỏ xanh, Trường ca biển biếc rừng xanh kết nối rừng và biển, đồng hành cùng du khách khám phá sự quyến rũ của biển cả Nam Trung Bộ - Bình Định,, Phú Yên và cả sự kỳ bí của Tây Nguyên…
Người làm du lịch cũng không chỉ khai thác các tour, tuyến du lịch cho khách chung chung, thông thường mà bắt đầu hướng đến những đối tượng đặc thù như xây dựng các tour du lịch cho người già, người độc thân, gia đình trẻ…
Tại hội thảo, nhiều đơn vị lữ hành bày tỏ băn khoăn giá vé máy bay đến các tỉnh Nam Trung Bộ hiện nay quá cao so nhiều nơi khác. Các đoàn đưa khách đến du lịch rất khó khăn khi đặt phòng, đặc biệt là với những đoàn có lượng khách nhiều, từ 50 người trở lên…
Việc du lịch phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Sự thiếu thích ứng của người dân bản địa trong hoạt động cung cấp dịch vụ cũng là một trong những nguy cơ có thể khiến hình ảnh địa phương “mất điểm” trong mắt du khách. Đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Hướng dẫn viên là người bản địa yếu về ngoại ngữ và giọng nói khó nghe, dù rằng, là người bản địa, họ có thế mạnh kiến thức về địa phương.
Một trong số các khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ khách du lịch |
Bày tỏ sự chia sẻ với các đại biểu, bà Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết, thời gian gần đây, Hiệp hội Du lịch Bình Định và nhiều tỉnh, thành khác đã kiến nghị với các hãng hàng không nhằm giảm giá vận chuyển. Tuy nhiên, câu trả lời đều là rất khó. Hiện tại, hàng không chỉ có thể tăng các chuyến bay. Riêng về cơ sở lưu trú, các tỉnh Nam Trung Bộ đã xây dựng thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp hơn, trong đó có những cơ sở có thể phục vụ đến trên 1.000 người với nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách. Vấn đề là nhiều đơn vị lữ hành thường làm việc với các cơ sở lưu trú quen, đã hình thành từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Để tháo gỡ vướng mắc này, các đơn vị lữ hành nên kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở du lịch ở địa phương, các Hiệp hội Du lịch. Về nhân sự, nếu chỉ có các địa phương làm theo kiểu “tự lực tự cường” thì sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu mà cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành từ trung ương đến địa phương…