Quyết liệt “cuộc chiến” với “công nghiệp đen”

Nhận diện, tẩy chay hàng giả thời… 4.0

Thứ Ba, 28/11/2017, 09:40
Bên cạnh nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng trực tiếp chống hàng giả, hàng nhái, thời gian qua, đã có nhiều ứng dụng từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 được các doanh nghiệp (DN) vào cuộc và bước đầu đã chứng minh được hiệu quả “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.


Tất nhiên, để kết quả được như mong muốn, vẫn có nhiều việc khác phải được tiến hành đồng bộ...

Hiện có khá nhiều loại tem chống hàng giả thông minh. Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển KHCN Vina (Vina CHG) cho biết đang cung cấp cho các đối tác, DN có nhu cầu hàng chục mẫu tem chống hàng giả thông minh tích hợp bởi nhiều công nghệ, như công nghệ Vinacheck (dùng điện thoại thông minh có cài đặt chương trình quét QRCode để quét lên QRCode và kiểm tra thông tin), công nghệ điện tử (SMS - dùng để xác thực hàng thật, kích hoạt bảo hành, tham dự thưởng…), công nghệ nhiệt (để nhận diện bằng mắt thường; khi tiếp xúc với nhiệt, chữ Vina CHG biến mất); công nghệ phát sáng (soi đèn UV vào bề mặt tem sẽ thấy phát sáng chữ Vina CHG), và công nghệ nước (dùng để nhận diện bằng mắt thường, thoa nước vào sẽ thấy hiển thị logo của nhà sản xuất).   

Thiết bị in phun trong công đoạn làm giả ống nhựa Bình Minh.

Tại một hội thảo cách nay chưa lâu, Quỹ Chống hàng giả và Công ty SICPA (Thụy Sỹ) đã giới thiệu 2 giải pháp chống hàng giả là giải pháp đánh dấu sản phẩm (Petromark) và hệ thống theo dõi truy xuất sản phẩm (Sicpatrace) vốn đã được SICPA chuyển giao cho Chính phủ tại 17 quốc gia trên thế giới và đã mang lại hiệu quả cao. 

Theo đó, Petromark cho phép nhà sản xuất, cơ quan chức năng đánh dấu sản phẩm để phân biệt tính chất hợp pháp hay phi pháp của sản phẩm. Còn Sicpatrace sẽ cho phép DN, cơ quan chức năng, người tiêu dùng (NTD) có thể theo dõi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, phân biệt hàng thật và giả thông qua dán nhãn sản phẩm, được được điện tử hóa. 

SICPA có khả năng cung cấp hơn 30 cấp độ bảo mật và nhận biết tem nhãn thông qua công nghệ mực in dùng trong sản xuất tiền, để cho cơ quan quản lý, DN và NTD nhận biết, kiểm tra thông qua thiết bị kiểm tra nhanh, kể cả kiểm tra qua điện thoại thông minh.

Cũng dày công nghiên cứu về các giải pháp nhằm góp phần chống hàng giả, hàng nhái, chia sẻ với PV Báo CAND, ông Phạm Xuân Huy, Tổng Giám  đốc Công ty CP Điện tử hóa Kinh tế Việt Nam cho biết, giống như nước luôn có nguồn theo sông rạch rồi đổ ra biển, sản phẩm hàng hóa cũng đi theo “luồng”. 

Chuỗi thương mại đang diễn ra theo luồng F (Factory, tức nhà sản xuất) - B (Business, tức nhà kinh doanh, phân phối) và C (Customer, tức NTD). Tuỳ sản phẩm, ngành hàng mà chuỗi F-B-C có đặc tính riêng bên cạnh những đặc điểm rất chung. 

Trong khâu F, ông Huy đề xuất cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia các vấn đề liên quan (như giấy phép kinh doanh, sở hữu trí tuệ, đăng ký thương hiệu...) để làm căn cứ cho công tác quản lý, đối chiếu các vấn đề phát sinh kèm theo (như nguyên liệu đầu vào, thành phẩm đầu ra, thương hiệu, sản phẩm lưu hành, hoạt động phát sinh của DN) một cách nhanh nhất nhằm đưa ra các thông tin, quyết định chính xác, giúp bảo vệ DN chân chính và kịp thời phát hiện DN bất chính.

Đối với khâu B, theo ông Huy, trong chuỗi phân phối sản phẩm hiện nay đang diễn ra theo nhiều phương thức phân phối khác nhau, điển hình như: Phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay NTD (F-C), phân phối thông qua đại lý đến tay NTD (F-B-C), phân phối thông qua tổng đại lý đến đại lý và đến NTD (F-B-B-C). 

Trong các mô hình phân phối trên thì hình thức dễ quản lý nhất đối với các cơ quan chức năng là mô hình F-B-B-C vì có khâu trung chuyển quan trọng B-B (từ tổng phân phối đến các đại lý, điểm bán lẻ nhỏ hơn). Nếu cơ quan chức năng có các hoạt động giám sát, kết hợp với các đơn vị này trong quá trình phân phối sản phẩm tới tay NTD thì sẽ dễ dàng, kịp thời phát hiện ra các sai phạm. 

Tuy nhiên hầu hết các sản phẩm hàng giả, hàng nhái lại lựa chọn kênh phân phối F-C, F-B-C, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý. Đối với 2 hình thức phân phối trên, cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu đồng nhất cho các điểm bán lẻ (B) để dễ dàng kiểm tra, giám sát. 

Đối với hình thức phân phối theo mô hình F-C, đa phần có quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên với hình thức này các cơ quan chức năng nên tập trung nâng cao nhận thức, tinh thần của NTD (C) để dễ dàng phát hiện, tố giác sự gian lận của nhà sản xuất (F) thì sẽ đạt được hiệu quả cao.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngày càng nhiều nhà phân phối sử dụng các kênh marketing, quảng bá sản phẩm trên các hình thức online, offline. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng phối hợp, kiểm soát được các nhà phát hành, phân phối quảng cáo thì dễ dàng phát hiện những bất thường sai phạm. 

“Tôi nhận thấy việc các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận đến NTD thông qua các quảng cáo online (Google, Facebook) rất dễ dàng với các tần suất dày đặc không theo một quy chuẩn, kiểm duyệt như các quảng cáo thông thường thông qua cơ quan thông tin đại chúng chính thống… đang ngày một tạo điều kiện cho việc hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Đây chính là thách thức không nhỏ cho các DN chân chính”, ông Huy chia sẻ…

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, một trong những việc mà Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phải tập trung đó là kiểm tra chuỗi cung ứng từ sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng đối với mặt hàng xăng dầu; chống buôn lậu hàng giả với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; sản phẩm chức năng, mỹ phẩm... 

Các giải pháp mà các DN, trong đó có SICPA đưa ra sẽ được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia từng bước nghiên cứu, tham vấn với các chuyên gia, các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ để áp dụng vào thực tế Việt Nam, nhằm đưa công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả cao nhất...

Binh Huyền
.
.
.