Người làm nước mắm truyền thống Phú Quốc lại bị “sốc”

Thứ Ba, 12/03/2019, 08:11
Từ hơn 20 năm trước, cụ thể vào năm 1998, nước mắm Phú Quốc được Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý. Ngày 1-6-2001, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam.

Tháng 7-2013, Liên minh châu Âu đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại thủ đô Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8-2013, Bộ Công Thương đã trao lại chứng nhận này cho huyện đảo Phú Quốc, từ đó sản phẩm này được bảo hộ và phát triển đến hiện nay.

Với bề dày đáng tự hào như thế nhưng các cơ sở và hàng vạn ngư dân gắn với nghề sản xuất nước mắm truyền thống không riêng gì của Phú Quốc mà là của cả nước, chẳng mấy khi được yên. 
Nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc đang bị “uy hiếp”.

Nếu như cách đây gần 3 năm, nước mắm truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước Báo cáo kết quả khảo sát nước mắm trên toàn quốc của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (và cùng với các bài viết của Vinastas có nội dung cho rằng 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40% độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín – một loại á kim cực độc vượt ngưỡng) thì những ngày qua, một số nội dung trong dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” đã khiến cho những người vốn thủy chung với nước mắm truyền thống thật sự bị “sốc”.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, hội viên Hiệp hội nước mắm Phú Quốc - chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc, cho biết: “Những nội dung bất hợp lý của dự thảo tiêu chuẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc và cả nước.

Các tiêu chuẩn không đi sát với thực tế, không tham vấn ý kiến của người trực tiếp sản xuất nước mắm truyền thống”. Bà Tịnh chỉ ra một vài điểm không phù hợp của dự thảo tiêu chuẩn. Thứ nhất, nguyên liệu làm nước mắm truyền thống ở Phú Quốc là cá cơm tự nhiên được đánh bắt từ biển, trong khi dự thảo đưa ra yêu cầu kiểm soát dư lượng các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… là rất vô lý.

Còn nếu cho rằng có thể sử dụng cá nước ngọt hoặc nguyên liệu nuôi trồng để làm nước mắm là điều không có khả năng. Thứ hai, mỗi ngày một nhà thùng ở Phú Quốc có thể chượp hàng chục tấn, thậm chí hàng tấn cá cơm thì không thể lựa chọn được những con cá dài hơn 12cm như trong dự thảo quy định.

Thứ ba, sản xuất nước mắm truyền thống ở Phú Quốc thì được ủ bằng thùng gỗ, phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường vậy quy định màu sáng là không phù hợp. Chưa kể màu sáng là sáng như thế nào? Sáng trong hay sáng xanh?...

“Từ hàng trăm năm nay, mọi người ăn nước mắm truyền thống vẫn bình thường, thế mà cơ quan đưa ra dự thảo quy phạm thực hành sản xuất nước mắm chỉ là để khuyến khích người dân sản xuất cho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu nói vậy, chẳng lẽ từ trước đến nay không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm duyệt đối với các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống à?” – bà Tịnh bức xúc.

Theo các hội viên Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống thì không thể có quy trình sản xuất khép kín như một sản phẩm công nghiệp được. “Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, nhưng cần phải minh bạch các khái niệm để người tiêu dùng hiểu đúng nghĩa của nước mắm truyền thống”, bà Tịnh nói thêm.

Ông Đặng Thành Thái – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, hiện trên địa bàn có gần 60 nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống đang rất bức xúc trước dự thảo tiêu chuẩn quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Thế nên, Hiệp hội sẽ có cuộc họp vấn đề này, nhằm ghi nhận, tập hợp những ý kiến của những người bám trụ với nghề sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn huyện Phú Quốc để có kiến nghị với Bộ NN&PTNT cũng như các đơn vị liên quan.

Trần Lĩnh
.
.
.