Nam Định còn thiếu sản phẩm du lịch đặc thù

Thứ Tư, 20/12/2017, 10:57
Ngày 19-12 tại Nam Định, UBND tỉnh Nam Định phối hợp với Tạp chí Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo "Xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định".

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng của du lịch Nam Định, phân tích những hạn chế, tồn tại và đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch có tiềm năng, đồng thời định hướng quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch Nam Định đến với đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Toàn cảnh Hội thảo.

Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: Lượng khách du lịch từ năm 2000 đến nay vẫn duy trì mức tăng trưởng bình quân 10,6%/năm và năm 2017 ước đạt gần 2,3 triệu lượt. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này đang có xu hướng chững lại mà một trong những nguyên nhân cơ bản là sản phẩm du lịch của Nam Định còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn và chưa được đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Du lịch Nam Định vẫn mang tính mùa vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng được khách đoàn số lượng lớn, nguồn nhân lực du lịch có trình độ, kỹ năng còn thiếu.

Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh còn nhiều hạn chế. Khả năng liên kết các sản phẩm du lịch nói chung và những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng chưa cao.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã bàn luận những vấn đề du lịch Nam Định đang “vướng”. Dù có nhiều tiềm năng và phong phú về tài nguyên văn hóa, du lịch, tuy nhiên, thế mạnh lớn nhất của du lịch Nam Định vẫn là du lịch văn hóa, tâm linh.

Các chuyên gia du lịch đều cho rằng, Nam Định cần lựa chọn đầu tư có trọng điểm vào loại hình du lịch văn hóa với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng như du lịch tâm linh với điểm nhấn là các lễ hội 

Hội thảo tập trung trao đổi xung quanh các chủ đề nói trên nhằm xác định rõ đâu là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định; các giải pháp cụ thể là gì để phát triển sản phẩm này trở thành điểm nhấn của Nam Định. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa 3 nhà (nhà nước – nhà khoa học - doanh nghiệp) cần tiến hành như thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc thù trong thời gian tới.

Từ đó có định hướng trong việc khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo đột phá phát triển du lịch Nam Định.

Nhật Trường
.
.
.