Khơi dậy tiềm năng du lịch những miền di sản

Lời giải cho bài toán phát triển du lịch bền vững

Thứ Tư, 14/06/2017, 09:53
Để du lịch phát triển bền vững, các địa phương có di sản văn hóa ở miền Trung cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ANTT tạo môi trường an toàn cho du khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng, để du lịch phát triển bền vững, các địa phương có di sản văn hóa ở miền Trung cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo ANTT tạo môi trường an toàn cho du khách.

Đặc biệt, phối hợp với UNESCO đề ra chiến lược lồng ghép bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị đến phường, xã.

Các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả kiểm tra, không để xảy ra tình trạng chèo kéo, nâng giá dịch vụ “chặt chém” du khách; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tại Quảng Nam, dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, tỉnh đã giới thiệu một số điểm đến mới trên bản đồ du lịch, như: Du lịch sinh thái tại huyện Tây Giang; Làng du lịch cộng đồng Tam Thanh… nhằm giảm tải áp lực cho các địa điểm du lịch truyền thống Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn.

Về xã biển Tam Thanh, gặp chúng tôi các lãnh đạo ở đây vui mừng bày tỏ rằng, xã có 7 thôn, với khoảng 3.200 hộ dân, 12.000 nhân khẩu.

Ngoài nghề chính đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, giờ đây người dân còn phát triển dịch vụ du lịch. Bắt nguồn từ dự án thí điểm, với sự tham gia của cộng đồng, khởi đầu là “Làng bích họa” bằng những hình vẽ trên các bức tường nhà người dân, thể hiện được nét sinh hoạt hằng ngày và những sự vật rất gần gũi, đã thu hút đông đảo du khách về với Tam Thanh.

Vừa qua, tại Tam Thanh, “Con đường nghệ thuật thuyền thúng” đầu tiên tại Việt Nam cũng hoàn thành, với sự sắp đặt 111 thuyền thúng, được các họa sĩ vẽ lên các tác phẩm thể hiện giá trị, văn hóa bản địa, cũng góp phần tăng thêm sự đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng.

“Chính quyền đang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục triển khai một số hạng mục như: Làng bách hoa, Làng không rác; tour du lịch trải nghiệm cộng đồng Tam Thanh… nhằm mang lại sinh kế và cơ hội phát triển bền vững cho cộng đồng nghèo vùng ven biển, trở thành một hình mẫu đầu tiên về phát triển du lịch nghệ thuật cộng đồng thành công tại Việt Nam”, ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, chia sẻ.

Ngày hội khinh khí cầu là một trong những hoạt động mới lạ được đưa vào lễ hội Festival Huế phục vụ du khách.

Thời gian qua, chính quyền TP Hội An cũng thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh trong du lịch, trong đó có việc sắp xếp lại dịch vụ hàng rong, vỉa hè khu vực phố cổ; xây dựng bộ quy tắc ứng xử để người dân có thái độ thân thiện mỗi khi tiếp xúc và trao đổi với du khách. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các địa phương.

Hiện tại, hơn 70% các đơn vị lữ hành tại Hội An đều có tour du lịch đến khu di thích đền tháp Mỹ Sơn và một số điểm đến khác trong tỉnh. Các đơn vị lữ hành cũng chú trọng liên kết các điểm du lịch tại Hội An và TP Đà Nẵng, hình thành các tour du lịch Đà Nẵng - Hội An và ngược lại…

Riêng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, để công tác phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn, đã hạn chế khách ra thăm đảo không quá 3.000 lượt/ngày, chú trọng ưu tiên du khách lưu trú tại đảo để thúc đẩy tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ trên đảo.

Nhận xét về du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện hình thức quảng bá du lịch bằng cách tổ chức các gian hàng ở hội chợ chủ yếu dựa vào các ấn phẩm, tờ rơi, brochure… đã quá cũ, tính đại chúng không cao, do đó hình ảnh Cố đô Huế chưa được quảng bá sâu rộng và không mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, tỉnh đã yêu cầu ngành Du lịch phải nghiên cứu những hình thức quảng bá mới, kịp thời và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện đơn vị tập trung đẩy mạnh quảng bá trên Internet; đồng thời tận dụng các mối quan hệ với địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Hà Nội để tăng cường quảng bá cho nhau, tiến đến hợp tác 2 bên cùng có lợi, tạo sự liên kết phát triển du lịch vùng miền, đặc biệt là các tour du lịch về di sản...

Sau những thước phim hoành tráng của bộ phim King Kong, cơn sốt khách du lịch tìm đến vùng đất Quảng Bình đang “sôi sục” khắp thế giới. Hai địa điểm ở Quảng Bình được đoàn phim Kong: Skull Island lựa chọn ghi hình là hồ Yên Phú, xã Trung Hóa và hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đang là điểm lựa chọn tìm đến của nhiều du khách.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định: “Việc đoàn làm phim lớn của Mỹ có mặt tại Quảng Bình gây hiệu ứng, tạo thành làn sóng du lịch. Du khách muốn tìm hiểu tại sao lại chọn cảnh quay như vậy. Đây là cơ hội lớn cần chớp lấy để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Quảng Bình”.

Ngay sau khi đoàn làm phim rút đi, ngành Du lịch Quảng Bình bắt tay xây dựng một số sản phẩm du lịch liên quan đến hoạt động của bộ phim như: Trường quay, các cảnh quan liên quan đến phim Kong.

Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình còn phối hợp với Vụ thị trường Tổng cục Du lịch đón tiếp đoàn các blogger nổi tiếng thế giới đến Quảng Bình để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình lên mạng xã hội...

Tựu trung vấn đề, các tỉnh miền Trung có di sản văn hóa, bãi biển đẹp như Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, ngoài những biện pháp để phát triển du lịch địa phương, cần phải tăng cường hơn nữa trong liên kết du lịch vùng miền; cùng nhau xây dựng những chương trình, tổ chức các sự kiện, trao đổi học tập kinh nghiệm; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của các cộng đồng dân cư; cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu.

Đặc biệt, xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ trên tuyến du lịch, như các trạm dừng chân cho du khách tham quan, nghỉ ngơi; xóa bỏ ranh giới du lịch giữa các địa phương để cùng tạo dựng một thương hiệu chung cho du lịch miền Trung... 

* Năm 2016, di tích Huế đã đón khoảng 2,7 triệu lượt khách du lịch, nguồn bán vé tham quan đạt hơn 262 tỷ đồng.

Riêng trong quý I-2017, có hơn 790 nghìn lượt du khách đến Huế tham quan, trong đó khách quốc tế đạt 313 nghìn lượt, tăng 13% so với vùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt trên 1.435 tỷ đồng, tăng 6,5%.

Để thu hút thêm lượng du khách đến các điểm tham quan thuộc Quần thể di tích Huế, từ tối 22-4-2017, Đại Nội Huế mở cửa về đêm, từ 19h-22h hằng ngày, tái hiện các nghi thức như đổi gác, cấm vệ quân luyện võ, trình diễn Đại Nhạc, Tiểu Nhạc...

Đầu tháng 5-2017, Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế phối hợp với UBND huyện Quảng Điền và các doanh nghiệp lữ hành đã tổ chức giới thiệu một số tour tuyến du lịch về đầm phá Tam Giang, như “Hoàng hôn phá Tam Giang - khám phá đầm phá lớn nhất Đông Nam Á”, “Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá”, “đạp xe về phá Tam Giang”...

* Thống kê sơ bộ, khách du lịch đến Quảng Bình trong quý I-2017 ước đạt 608.434 lượt; trong đó khách quốc tế đạt 10.927 lượt khách, tăng 8,84% so với cùng kỳ, với tổng doanh thu 630 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định: Quảng Bình đã lựa chọn phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vì vậy trong thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh. Chính việc làm này đã góp phần quan trọng thu hút du khách về tham quan, nghỉ dưỡng…

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết, năm 2016, tỉnh đón hơn 4,4 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú.

Riêng 5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách tham quan, lưu trú đạt gần 2,3 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng đạt gần 4.090 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Tỉnh Quảng Nam phấn đấu sẽ đón được 6 triệu lượt khách đến tham quan, lưu trú trong năm 2017 này bằng các hoạt động đặc sắc ở các địa điểm du lịch, đặc biệt là Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 diễn ra từ ngày 7-6 đến 14-6. Sự kiện này dự kiến thu hút từ 800 nghìn đến 1 triệu lượt khách tham gia…

N. Thi - A. Khoa – S.Lam
.
.
.