Mỗi năm “mất không” gần 1,2 tỷ USD do chậm thông quan

Thứ Hai, 04/09/2017, 09:12
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Chủ tịch, vừa có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất áp dụng hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. 


Báo cáo này dựa trên cơ sở đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và Liên minh tạo thuận lợi hoá thương mại toàn cầu (GATF).

Bảo lãnh thông quan là cơ chế tạo thuận lợi thương mại được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong các giao dịch thương mại qua biên giới. 

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng hoá, trong khi quá trình thực hiện của cơ quan kiểm tra chuyên ngành chiếm hơn 70% tổng thời gian thông quan hàng hoá. 

Thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá.

Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ. Đây là thách thức rất lớn và để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách, thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.

Báo cáo đưa ra con số: cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, tỷ lệ này tương đương 3,2 triệu USD, đồng nghĩa mỗi năm "mất không" gần 1,2 tỷ USD. 

Vì vậy, Hội đồng tư vấn cải cách chính sách cho rằng việc thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá và giúp tiết kiệm được ít nhất 3,2 triệu USD/ ngày trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn thu về thuế có thể gia tăng từ việc mở rộng hoạt động thương mại do giảm các rào cản, gánh nặng về chi phí.

Phan Đức
.
.
.