“Lôi” kinh tế ngầm ra ánh sáng: Giảm tham nhũng, tăng quy mô nền kinh tế
- Xử lý nghiêm “tham nhũng vặt”
- Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát
- “Đi ngược đường” trong xu thế chống tham nhũng ở Việt Nam
- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, để không thể tham nhũng
Giới chuyên gia kỳ vọng việc thực hiện đề án sẽ khơi mở một bức tranh kinh tế rộng hơn, minh bạch và công bằng hơn. Tuy nhiên, cũng không ít người quan ngại về những khó khăn trong quá trình thực hiện, vì hoạt động cố tình che giấu của nhiều nhóm đối tượng. Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong xung quanh đề án này.
Xe ôm, trà đá không lo bị “làm khó”
PV: Thưa ông, khi Đề án được đưa vào hiện thực thì sẽ tác động như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội?
TS. Nguyễn Minh Phong: Trên thực tế, về nguyên tắc, kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, hay kinh tế chưa được quan sát và kể cả kinh tế lậu… luôn luôn tồn tại. Ở mỗi một nước có thể rất khác nhau, quy mô, tính chất, cơ cấu, kể cả nguyên nhân cũng khác nhau.
Ví dụ như ở nước Nga, hay những nước chuyển đổi khác, đặc biệt là những nước có nạn tham nhũng lớn, theo nhiều đánh giá cỡ phải chiếm 40-50% GDP. Còn ở Việt Nam, tham nhũng rất khó đo lường, nhưng hiện nay, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 70% lao động của cả nước, bao gồm cả kinh tế vỉa hè; kinh tế tự sản, tự tiêu; kinh tế không được đưa trong thống kê nhà nước, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp...
Do vậy, khi khu vực đó được đưa vào quan sát, đưa vào thống kê, được quản lý, để nó hiện diện chính thức và nhà nước quản lý tốt thì nó sẽ giúp gia tăng quy mô nền kinh tế, GDP thực của nền kinh tế sẽ lớn hơn con số hiện nay.
Bên cạnh đó, giúp chúng ta nhận diện được đầy đủ hơn và rõ nét hơn bức tranh tổng thể của nền kinh tế và cả những vấn đề được đặt ra lẫn vấn đề tiềm năng, để từ đó có những cơ chế quản lý được tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong. |
PV: Tâm lý người Việt nói chung khá ngại bị đụng chạm, ngại bị “soi”, vậy nếu đưa khu vực kinh tế tự sản, tự tiêu vào thống kê, liệu có đang “làm khó” những người lao động nhỏ lẻ?
TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi chắc chắn là không, vì việc thống kê sẽ chỉ dừng lại ở ý nghĩa thống kê để tính toán con số, chứ không phải để đánh thuế nên người lao động nhỏ lẻ không nên “ngại”. Luật hiện quy định miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu dưới 100 triệu/1 năm, thì xe ôm và trà đá làm sao bị ảnh hưởng?
Đặc biệt, người dân ở trong khu vực kinh tế phi chính thức nếu được quản lý tốt và đưa vào quan sát, thống kê thì sẽ bình đẳng hơn với các khu vực khác. Nhất là với những người nông dân, người dễ bị tổn thương, nếu mà được nằm trong diện được bảo hiểm, nằm trong diện chính sách hướng tới, kể cả cho vay tín dụng… thì sẽ tốt hơn cho họ, sẽ tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, chất lượng việc làm, và sự bình đẳng xã hội.
PV: Vâng, thế còn về mại dâm hay ma túy và những hoạt động phi pháp khác, đây là những lĩnh vực phạm pháp nhưng xét theo góc độ kinh tế, nó được định lượng bằng giá trị kinh tế lớn, thậm chí là rất lớn. Nếu thống kê để đánh thuế, thì sẽ phải hợp thức hóa nó, còn không thì rất khó để đánh thuế. Vậy nên giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Theo nguyên tắc, kể cả mại dâm, ma tuý cũng phải đánh thuế. Bởi có thu nhập thì phải đánh thuế mới tạo ra hiệu ứng công bằng xã hội. Tất nhiên, phải đặt vấn đề thuế ấy được thu – chi một cách có hiệu quả thì mới tạo được sự công bằng.
Ở nước ngoài, tôi không biết anh buôn lậu gì nhưng anh có thu nhập thì phải đánh thuế. Thu thuế không có nghĩa là hợp pháp hoá nó. Cứ có phát sinh thu nhập là thu thuế, nhất là ở Mỹ. Cho nên các đối tượng buôn ma tuý ở Mỹ rất sợ cán bộ thuế, vì họ rất giỏi truy ra các thông tin về luồng tiền. Anh có nguồn thu từ đâu ra tôi không biết, tôi chứng minh được đây là nguồn thu mới thì anh phải đóng thuế, kể cả tổng thống. Còn, nguồn thu có hợp pháp hay không hợp pháp lại của đơn vị quản lý khác.
PV: Nhưng ở nước ngoài, cụ thể là Mỹ, mọi thu, chi đều qua tài khoản, nên mới dễ quản lý. Ví dụ anh phạm tội có được tiền mặt không bị phát hiện, nhưng cầm tiền mặt đi mua hàng với số lượng lớn sẽ bị “tóm”, còn ở Việt Nam cứ có tiền mua gì cũng được…
TS. Nguyễn Minh Phong: Đúng vậy, ở nước ngoài họ quản lý rất tốt. Việt Nam cũng dần dần phải giảm dùng tiền mặt. Hiện Chính phủ cũng đang chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt - điều này sẽ bổ trợ cho việc quản lý nền kinh tế chặt chẽ hơn. Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là quan sát còn thu thuế tính sau, để đưa vào quản lý, vào thống kê nhà nước là một tham vọng rất lớn và cần thời gian dài. Nước Mỹ còn chưa làm được.
Minh bạch nền kinh tế
PV: Thưa ông, hiện nay kinh tế hợp pháp chúng ta còn chưa quản lý hết, vẫn còn gian lận, trốn thuế, liệu chúng ta có đang bỏ lọt khu vực này, mà lại lên kế hoạch thống kê để quản lý khu vực chưa quan sát được, như vậy vô hình trung đang thay vì “nắm kẻ có tóc”, lại đi “túm kẻ trọc đầu”?
TS. Nguyễn Minh Phong: Chúng ta nên hiểu bản chất của những khu vực bỏ lọt chính là khu vực chưa quan sát được; còn những gian lận, trốn thuế… chính là một phần trong khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp. Ví dụ doanh nghiệp sản xuất ra 100 cái máy, họ chỉ khai thuế 50 cái - đây là khu vực ngầm.
Thế nên thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát, chính là một cách để “gom” những hành vi gian lận, trốn thuế vào quản lý. Việc này đem lại lợi ích là làm tăng nguồn thu ngân sách. Bởi vì khi đưa vào quản lý và phát triển tốt thì sẽ làm nguồn thu ngân sách được mở rộng trong bối cảnh nguồn thu đang bị suy giảm, xói mòn, giúp chúng ta cơ cấu lại được nền kinh tế vững chắc và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, với kinh tế ngầm như buôn lậu thì rất khó. Bởi đã có sự chủ động, giấu giếm từ những người có liên quan. Ví dụ như doanh nghiệp họ sẽ giấu doanh thu, còn “bóc” tới đâu thì do khả năng quản lý của cơ quan chức năng. Đấy là chưa kể không phải chỉ doanh nghiệp, mà còn có sự thông đồng của cán bộ thu thuế, hải quan… tức là tham nhũng. Khi mình đưa vào quản lý, được quan sát, được thống kê thì đương nhiên sẽ làm tăng quy mô nền kinh tế, giảm bớt tham nhũng.
PV: Lợi ích tăng quy mô nền kinh tế, tăng GDP có vẻ được nhiều người coi là mục đích cao nhất của việc thống kê, nhưng nếu GDP tăng, thì con số nợ công, bội chi theo tỷ lệ sẽ giảm xuống - điều này được cho là sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế?
TS. Nguyễn Minh Phong: Thực tế, một đất nước nào nền kinh tế thực cũng mạnh hơn nền kinh tế được phản ánh. Kinh tế ngầm to lắm, như số liệu trên tôi đã nói, có nước lên tới 50% GDP (và Việt Nam nếu thống kê hết cũng không ít hơn con số này là mấy). Bởi vậy, khi kinh tế ngầm được thống kê và tính GDP chính thức, đương nhiên nợ công sẽ giảm xuống, đây là vấn đề tốt.
Vấn đề đặt ra là phải quản lý nợ công. Chỉ khi lạm dụng số liệu để làm tăng nợ công mới nguy hiểm. Phải tách bạch 2 việc này. Khi mình có được một con số thật, dẫu chưa làm chủ được nó, ít nhất mình có sự tự tin hơn. Vì thực tế nước mình có thể đạt 400 tỷ USD chứ không phải 300 tỷ USD chẳng hạn, thì tự nhiên mình thấy tự tin hơn, tự tin của dân tộc, tự tin của người lãnh đạo, tự tin của doanh nghiệp và người dân cao hơn rất nhiều. Và chính sách có dư địa lớn hơn, việc thu thuế cũng có cơ sở hơn.
PV: Nói rằng thống kê con số cho thấy quy mô kinh tế lớn hơn khiến nhà quản lý tự tin hơn cũng khó định lượng, quan trọng là sau đó, chúng ta sẽ quản lý như thế nào, thu ngân sách ra sao…
TS. Nguyễn Minh Phong: Niềm tin không hề mơ hồ thông qua con số thu thuế của chúng ta hàng năm đều tăng, tăng nhanh hơn GDP. Cái này ở đâu ra, rõ ràng đây là kinh tế ngầm lộ diện, giảm bớt sự che giấu thì mới có thể thu được thuế. Ngoài ra còn ở sự chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Đơn cử, chính sách quản lý thu phí nước sạch Hà Nội, trước đây nước sạch Hà Nội thất thoát 30%, tuy nhiên sau đó Sở Tài chính áp đặt năm nay chỉ được hoàn một mức tiền nhất định, ứng với con số 20% thất thoát, năm sau là 15%. Điều này buộc những cán bộ phải ráo riết trong việc thu tiền cũng như triệt để chống thất thoát và chủ trương luôn được thực hiện hiệu quả.
Đây là minh chứng cho thấy độ tự tin và độ dư chính sách cao lên bởi nguồn lực dư. Vậy phải làm sao đó để khai thác được để đưa kinh tế vào xã hội hoá là tốt nhất.
PV: Như vậy, rõ ràng lợi ích của việc thống kê là rất lớn, nhưng đến nay mới có Đề án, liệu có phải là hơi muộn không, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Sớm muộn phải có so sánh ngang hàng. Trên thế giới, cũng chưa nước nào thống kê được hết kinh tế ngầm, vì vậy, Đề án của Chính phủ là một sự đột phá trong quản lý kinh tế, là sự đổi mới tư duy, quyết tâm quản lý nhà nước. Việc hoàn thiện công tác thống kê là để có thông tin tốt, đầy đủ, chính xác hơn để nhận diện đầy đủ hơn nền kinh tế, từ đó có chính sách quản lý tốt hơn. Tất nhiên đó là kỳ vọng, còn thực tế thống kê được tới đâu thì cần có thời gian. Tôi ủng hộ Đề án này và muốn cùng tham vấn để làm sao làm được tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, phạm vi của khu vực kinh tế chưa quan sát được Đề án xác định gồm 5 nhóm: Hoạt động kinh tế ngầm, là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội. Hoạt động kinh tế bất hợp pháp, là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép. Hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình, là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó. Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê, là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập các thông tin đó. |