Xử lý nghiêm “tham nhũng vặt”

Thứ Năm, 21/02/2019, 20:18

 “Xử lý nghiêm “tham nhũng vặt” gây bức xúc trong dư luận xã hội” -  là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ diễn ra chiều 21-2. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân  Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ cho biết: Năm 2018, KT-XH nước ta đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện, hoàn thành 12/12 chỉ tiêu, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao ở nhiều nước trong khu vực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành, bao gồm: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

 “Với sự cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, cuả các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, công tác cải cách hành chính đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả tích cực trên cả 6 nội dung của Nghị quyết 30c của Chính phủ ban hành kèm theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, giai đoạn 2011-2020”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong năm qua công tác cải cách hành chính đã được triển khai tích cực, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển hội nhập của đất nước.

Về thực hiện Nghị quyết số 18, 19 về sắp xếp tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, nhiều đơn vị đã triển khai có hiệu quả. Trong đó, Bộ Công an đã sắp xếp bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng; giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng thuộc Công an tỉnh, gần 1.000 đơn vị cấp đội thuộc Công an huyện. Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động triển khai thực hiện kết luận số 34 của Bộ Chính trị về thực hiện thí điểm một số mô hình theo Nghị quyết số 18.

Các đại biểu tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 5 kết quả nổi bật của công tác cải cách hành chính, trong đó thể chế và thủ tục hành chính được cải cách và hoàn thiện thêm một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra về nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác công vụ và đã bước đầu thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở một số bộ, ngành và địa phương. 

Thủ tướng cho biết, theo đánh giá của Liên Hợp quốc, năm 2018, mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc. Đây là thông tin vui, nhưng Thủ tướng nêu rõ, không được chủ quan về kết quả này.

Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong cải cách hành chính, trong đó có tình trạng gắn lợi ích cục bộ trong xây dựng các văn bản, quy định. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh", đùn đẩy sợ trách nhiệm. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế, chồng chéo, chậm trễ, kém chất lượng, cần sửa đổi.

Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời vẫn còn, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; vẫn còn tình trạng "cắt giấy phép mẹ đẩy giấy phép con", thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức...

Về giải pháp thời gian tới trong cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh đến phương châm hành động 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và đặt yêu cầu “bứt phá, hiệu quả” cho Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, mà trước hết là cơ quan thường trực của Ban. Thứ hai là nền hành chính phục vụ nhân dân phải được quán triệt trong mọi cơ quan, mọi cơ quan hành chính, kể cả đơn vị sự nghiệp công để phục vụ nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật theo hướng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề công chức, viên chức, bộ máy... liên quan đến người dân và doanh nghiệp phải được cụ thể hơn, rõ hơn. Trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành bộ tiêu chí theo dõi đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật của các bộ, ngành và địa phương. Yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng "tham nhũng vặt", gây bức xúc trong xã hội, Thủ tướng cũng chỉ đạo tất cả các địa phương, các ngành đều phải có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng cắt giấy phép mẹ, đẩy giấy phép con, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.


Phương Thuỷ
.
.
.