Lãi suất huy động tăng cao chủ yếu mang tính cục bộ

Chủ Nhật, 26/03/2017, 08:46
Những ngày gần đây, lãi suất huy động VND trên thị trường tăng mạnh. Theo nhận định, việc tăng lãi suất này chủ yếu mang tính cục bộ tại một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống.

Thời gian gần đây, một số ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài ở mức khá cao, làn sóng lãi suất một lần nữa làm nóng thị trường tài chính - tiền tệ, từ ngưỡng 7-7,8%/năm đối với kỳ hạn dài nhất, dưới 5%/năm với loại tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất cao nhất được các ngân hàng áp dụng đã tăng tốc lên 9,2%/năm, mức cao nhất của lãi suất VND sau nhiều năm thị trường yên ắng. 

Như tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mức lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng cùng là 8%/năm; Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng thêm 0,1%, lên mức cao nhất 7%/năm... Đặc biệt, một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi chứng chỉ kỳ hạn dài ở mức cao là 8,88%-9,2%/năm.

Để đáp ứng Thông tư 06 của NHNN, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhằm thu hút khách hàng. (Ảnh minh họa internet)

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sức ép lên mặt bằng lãi suất tăng, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục neo ở mức cao, cùng động thái bơm ròng vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, thanh khoản hệ thống không còn ở trạng thái dồi dào. 

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đang có những diễn biến tương đối tích cực, bởi đến cuối tháng 2 đạt gần 2% so với cuối năm 2016. Lãi suất huy động tăng nhưng chưa đáng lo ngại bởi lãi suất tăng chủ yếu tập trung ở nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, không có sự xuất hiện của ngân hàng thương mại quốc doanh-nơi chiếm thị phần lớn trên thị trường. 

“Hơn nữa, ngay cả đối với các ngân hàng thuộc top trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì phải lựa chọn một trong hai cách: Một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài” – Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo việt BVSC đánh giá.

Ngoài ra, các ngân hàng đang cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn cho phù hợp với Thông tư 06 của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. 

Bên cạnh đó là xu hướng tăng của lạm phát. Lạm phát tăng khá nhanh ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi... Tất cả những yếu tố trên cho thấy sức ép tăng lãi suất trong năm 2017 lớn hơn so với năm 2016.

Bên cạnh đó, áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phần nhiều mang tính tâm lý. Sau quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15-3 vừa qua, dự kiến Fed sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. 

Nếu trần lãi suất tiền gửi USD trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định. Mặc dù vậy, những tác động trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này của Fed là không lớn và có xu hướng nhẹ bớt so với lần trước.

L.Hiệp
.
.
.