Lãi suất huy động lên tới 8,6%, lãi suất cho vay có chịu áp lực?
- Lãi suất huy động vào “cuộc đua” tăng giá?
- Lãi suất huy động tăng cao chủ yếu mang tính cục bộ
- Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên hạ lãi suất huy động
3 lần tăng lãi suất trong 1 thời gian ngắn, NH Việt Nam thịnh vượng - VPB là một trong những ví dụ điển hình cho phong trào đua tăng lãi suất huy động những tháng cuối năm. Cụ thể, sau lần tăng vào tháng 10, đến đầu tháng 11, VPB lại điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1% so với một tháng trước đó.
Đến cuối tháng 11, VPBank lại tiếp tục công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới, dành cho khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6-12 tháng lên tới 7,7-7,8%/năm, tức cộng thêm 0,5% so với trước đó. Ở các kỳ hạn dài hơn, lãi suất được cộng thêm 0,6-0,7%/năm.
Đặc biệt, với biểu lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ 1 - 5 tháng, nhà băng này đã không còn phân biệt nữa mà “kẻ thẳng” mức lãi suất huy động 5,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn. Và đây cũng là mức kịch trần cho phép, vùng kỳ hạn thuộc diện điều chỉnh của cơ chế trần lãi suất huy động đang áp dụng.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động cuối năm. |
Một nhà băng khác, NH Sài Gòn-Hà Nội (SHB) mới đây cũng đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức 7,8%/năm với loại hình tiết kiệm bậc thang theo số tiền-tăng tới 0,6%/năm các kỳ dài hạn. Bên cạnh đó, với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, SHB cũng tăng 0,1%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi các kỳ hạn 3-5 tháng, áp dụng cho tất cả loại hình.
Trước đó, trong quý 3, thị trường đã xuất hiện những mức lãi suất huy động cao từ 8,4-8,5%/năm, nhưng ở nhóm thành viên có quy mô nhỏ, đang hoặc vừa thực hiện tái cơ cấu. Chẳng hạn như NH VietCapital Bank, VIB, Nam Á Bank, TPBank, OCB… áp dụng lãi suất huy động khá cao, từ 7,6-8,6%/năm nhưng tùy mức tiền gửi và tùy kỳ hạn.
Tại khối các ngân hàng quốc doanh, mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp so với mức lãi suất tại khối ngân hàng TMCP. Hiện tại, mức lãi suất kỳ hạn ngắn tối đa bằng với trần quy định (5,5%/năm), trong khi kỳ hạn dài mức lãi suất tối đa chỉ vào khoảng 6,8-7%/năm.
Song, đáng chú ý, ngoài việc trực tiếp tăng lãi suất huy động, các NH còn thi nhau áp dụng các chương trình cộng lãi suất, tặng quà, khuyến mãi… để thu hút khách hàng.
Trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, có ba nguyên nhân khiến các NH tăng lãi suất huy động dịp cuối năm. Thứ nhất, các NH tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay tiền dịp cuối năm tăng cao hơn bình thường. Thứ hai, các NH phải huy động vốn đáp ứng yêu cầu của Thông tư 19/2018 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là từ ngày 1-1-2019, các NH chỉ được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì 45% như hiện nay.
Vì vậy các NH phải chuẩn bị nguồn vốn nhiều hơn, kể cả ngắn, trung và dài hạn. Thứ ba, một số NH bắt đầu phát hành trái phiếu dài hạn để tăng vốn cấp hai nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vốn cũng như chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới đây, Bộ phận phân tích khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Retail Research) cho rằng việc đẩy mạnh tín dụng của các NHTM vào tháng cuối năm và điều hành cung tiền chặt chẽ của NHNN sẽ khiến cho nhu cầu thanh khoản của hệ thống NHTM tiếp tục căng thẳng, lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực tăng trong tháng 12-2018.
Cùng chung nhận định, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch.
Chuyên gia tài chính NH - TS Nguyễn Trí Hiếu thì nhận định không chỉ cuối năm nay mà thậm chí sang năm 2019, việc ổn định lãi suất tiền đồng, kiểm soát lạm phát vẫn gặp nhiều áp lực. Và dĩ nhiên, khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ chịu áp lực tăng theo, dù NHNN đang cố gắng giữ mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nỗ lực giữ ổn định lãi suất của NHNN có thể giúp mặt bằng lãi suất cho vay ổn định trong năm 2018 - thời gian ngắn chỉ còn vài tuần, nhưng nếu “nén” quá, sớm muộn gì nó cũng sẽ “bung”, và mục tiêu giữ ổn định lãi suất trong năm 2019 sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, phân tích một cách lạc quan và khá thuyết phục, chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín cho rằng nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt và có lịch sử tín dụng tốt thì không cần quá lo lắng về lãi suất cho vay tăng.
Hơn nữa, dù lãi suất huy động tăng nhưng nếu chi phí hoạt động ngân hàng giảm, nợ xấu giải quyết tốt thì lãi suất cho vay chưa chắc tăng. Ngoài ra, lãi suất tăng còn phụ thuộc vào xu hướng thị trường. Thông thường, lãi suất chỉ tăng cao vào quý 4 và quý 1, khi nhu cầu vay tăng mạnh vào cuối năm và dịp Tết, còn quý 2 và 3 lãi suất sẽ giảm dần.
Theo đó, LS.TS Tín khuyến cáo doanh nghiệp muốn vay lãi suất thấp nên làm việc với ngân hàng vay theo hạn mức vào quý 2 và 3 để quý 4 có thể giải ngân với mức lãi suất tốt nhất.
Tỷ giá trung tâm lập đỉnh cao mới Tỷ giá trung tâm do NHNN công bố ngày 11-12-2018 đứng ở mức 22.775 VND/USD, tăng mạnh 9 đồng so với phiên giao dịch liền trước. Với biên độ +/-3%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần được áp dụng là 22.092 - 23.458 VND/USD. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 50 đồng trong 1 tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong khi tỷ giá trung tâm liên tục leo dốc thì giá mua bán USD tại các ngân hàng lại khá bình lặng, chỉ tăng giảm nhẹ 5-10 đồng giữa các phiên và không có xu hướng rõ rệt. Giá bán USD tại các ngân hàng hiện đang thấp hơn tới 100-110 đồng so với trần quy định. B.K |