Kiểm soát chặt chất lượng nông sản nhập khẩu ở Tân Thanh

Thứ Bảy, 03/02/2018, 09:57
Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vào những ngày giáp Tết không khí sôi động khi lượng hàng nông sản nhập khẩu phục vụ Tết Nguyên đán đang nhộn nhịp lên từng ngày.

Nếu như năm 2017, tổng sản lượng nông sản cả xuất và nhập khẩu đều giảm so với năm 2016 thì tháng 1-2018 để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán, hàng nông sản nhập khẩu đã tăng lên. Do năm nay nông nghiệp trong nước được mùa nên rau, củ, quả tương đối dồi dào, ít phải nhập khẩu những mặt hàng này phục vụ Tết.

Theo Hải quan Tân Thanh từ cuối năm 2017 đến nay, bắp cải hầu như không nhập từ Trung Quốc do bước vào thời vụ nên mặt hàng này đang có mặt trên thị trường đều là trong nước sản xuất. Hàng hóa nhập khẩu qua Tân Thanh thời điểm này chủ yếu là hoa quả, nông sản chiếm trên 90% kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Nhập khẩu mạnh nhất thời điểm này là hành tỏi khô, hành tây, cà rốt, quýt nhỏ, táo, lê, nho, khoai môn, nấm tươi các loại... Khoai tây vào thời điểm giữa năm nhập khẩu tương đối nhiều nhưng đến nay nhập rất ít.

Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, năm 2017, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Tân Thanh giảm 30%. Mặt hàng nông sản nhập khẩu giảm là nấm các loại. Từ tháng 1-2018 đến nay, mặt hàng nông sản nhập khẩu chưa có gì mới, vẫn là các chủng loại như năm 2017, nhưng đặc biệt tập trung vào các hàng hóa phục vụ Tết. 

Trong 22 ngày đầu tháng 1-2018, nông sản nhập khẩu qua Tân Thanh đạt 38,186 tấn, trong đó đứng đầu là hành tây củ (9,949 tấn), tỏi củ khô (6,724 tấn), hành củ khô (3,827 tấn), khoai tây (3,967 tấn), đỗ các loại (2,542 tấn), nấm các loại (1,453 tấn), cà rốt (528 tấn). 

Để phục vụ nhu cầu Tết, thời điểm này, các thương lái đã nhập khẩu mạnh các loại hoa quả, mà nhiều nhất là quýt nhỏ quả tươi 3,935 tấn; tiếp đến là táo (2,538 tấn), lê (1.203 tấn), nho (474 tấn), cam (242 tấn), hồng (226 tấn), bưởi (102 tấn). 

Theo ông Đoàn Tuấn Anh thì năm 2017 và tháng 1 -2018, hàng nghìn lô hàng nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh qua kiểm tra đều đủ điều kiện, chưa lô nào phải trả về. Hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm nên thuộc diện luồng đỏ thì phải kiểm tra thực tế và phải có kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm dịch và các lô hàng trái cây sau khi đạt đều được thông quan trong ngày.

Lấy mẫu kiểm dịch hoa quả nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) – đơn vị quản lý địa bàn Lạng Sơn cho biết, kết quả phân tích mẫu năm 2017 kiểm tra trên 8945,21 tấn nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn, tỷ lệ mẫu đạt 100%. 

Trong 15 ngày đầu tháng 1-2018, nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn đạt 15.680 tấn, trong đó mặt hàng chủ yếu là hành tỏi củ, táo, lê, quýt và các mẫu đều đạt. 

Theo bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật Tân Thanh thì dịp này không có quýt loại quả to nhập khẩu mà chỉ có quýt loại quả nhỏ.

Theo bà Hiền thì quy trình lấy mẫu kiểm tra và phân tích mẫu đều thực hiện đúng quy định, sau khi đạt thì lô hàng đó mới được thông quan. Với trái cây nhập khẩu, việc kiểm dịch phải tiến hành 2 nghiệp vụ kiểm tra là kiểm dịch thực vật để phát hiện mầm dịch bệnh và kiểm tra an toàn thực phẩm với hàng hóa có nguồn gốc thực vật (chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản có nằm trong danh mục cấm hay vượt ngưỡng cho phép hay không). 

Tại Tân Thanh chủ yếu vẫn là kiểm tra bằng Test nhanh và chỉ sau 20 phút là có kết quả. Nếu lô hàng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định thì Hải quan sẽ cho thông quan.

Người tiêu dùng lo lắng liệu có xảy ra trường hợp thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm nhập khẩu ngoài danh mục nhưng thiết bị kiểm tra của Việt Nam không đáp ứng để tìm ra được loại thuốc này không không? Và người tiêu dùng có hay không mua phải hoa quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. 

Bà Hà cho biết, theo thông lệ quốc tế, hàng năm các nước xuất khẩu trái cây sang Việt Nam đều cung cấp cho cơ quan kiểm dịch nước ta danh mục các thuốc bảo vệ thực vật sẽ sử dụng tại nước họ. Căn cứ vào danh mục này, cơ quan kiểm dịch sẽ trang bị thiết bị kiểm tra chuyên dụng để kiểm tra đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật đó. 

Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro sản phẩm có chứa thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục đã được cung cấp, Chi cục đã lấy mẫu các lô hàng có nguy cơ cao đưa về Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra. Năm 2017 đã lấy 371 mẫu gửi về Cục Bảo vệ thực vật và các mẫu này đều đạt chất lượng.

Trong trường hợp nếu phát hiện chất bảo quản ngoài danh mục, cơ quan kiểm dịch thực vật sẽ tăng cường công tác quản lý và có thông báo phối hợp kiểm tra đối với cơ quan chức năng xuất khẩu ở nước sở tại và cảnh báo cho người tiêu dùng. 

Càng gần Tết, lượng nông sản nhập khẩu càng gia tăng, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm nông sản, công tác siết chặt kiểm dịch là điều cần thiết để người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.