Không thiếu hàng hoá trong thời gian dịch virus Corona
- Đoàn công tác Bộ Công an kiểm tra phòng chống dịch virus Corona
- Lo virus Corona, Quảng Trị tạm đóng 4 cửa khẩu dọc biên giới Việt – Lào
- Cần tính tới các giải pháp phục hồi du lịch sau dịch bệnh do virus Corona
Hệ thống siêu thị dự trữ hàng gấp 3 lần
Trong những gần đây, nhiều người dân thủ đô lo sợ virus Corona, hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người, nên đã chủ động đi siêu thị sắm các thực phẩm khô, rau, củ, quả, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần. Điều này dẫn đến lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả của người dân tăng lên đáng kể.
Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khá dồi dào. |
Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long trong sáng 5-2, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khá dồi dào. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, sau Tết, có thời điểm người mua tăng đột biến, phần lớn là người tiêu dùng mua thực phẩm tích trữ sử dụng trong những ngày học sinh được nghỉ học do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đồng thời, đây cũng là thời điểm nhiều người mua thực phẩm để sử dụng cho cả tuần.
Hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường, chấp nhận những rủi ro cao khi nhu cầu mua sắm giảm. Trong giai đoạn hàng nông sản chưa xuất khẩu sang Trung Quốc, Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long; 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống.
Về sức mua của người dân trong dịp này, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc điều hành siêu thị Big C miền Bắc cho biết, phần lớn người dân đến đây đều mua rau, củ, quả và đồ khô. Lượng người mua hàng tại Big C tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Quầy rau, củ, quả liên tục bổ sung trên các quầy kệ hàng. Do đã chủ động được nguồn cung, nên tại hệ thống siêu thị Big C Thăng Long và hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc không xảy ra tình trạng khan hàng hay hết hàng.
Hàng hoá dồi dào, phong phú tại các siêu thị, ngay cả trong thời gian có dịch. |
Trong khi đó, tại Saigon Coop, sức mua cũng tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 30-50% lượng hàng cung ứng cho thị trường.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống, người tiêu dùng luôn mua được giá tốt nhất, bình ổn khi mua sắm, nguồn cung ứng không bị ảnh hưởng, siêu thị lúc nào cũng đủ nguồn cung cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, để hạn chế đông người, siêu thị Co.opmart Hà Đông bắt đầu triển khai bán hàng qua mạng và đưa tận nơi ở khu vực nội thành với đơn hàng từ 200 nghìn đồng trở lên. Với phương án này giúp các hộ dân mua sắm tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn, giảm đi lại trong thời gian dịch bệnh.
Bán đúng giá bình ổn…
Trước tâm lý hoang mang, lo sợ nguồn thực phẩm khan hiếm, người tiêu dùng đã mua sẵn thực phẩm về trữ, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống phân phối chợ, chuỗi kinh đoanh dảm bảo nguồn cung thực phẩm, đặc biệt mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, trứng, thịt… để phục vụ nhu cầu của người dân trên TP Hà Nội. Đặc biệt, đảm bảo bán đúng giá bình ổn theo cam kết của thành phố trong dịp trước, trong và sau Tết.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vẫn giữ đơn hàng ổn định, trước, trong và sau Tết, nên lượng hàng ở các siêu thị của Hà Nội tương đối ổn định, giá cả vẫn giữ như trong dịp trước Tết. Một số mặt hàng rau, củ, quả trong siêu thị hiện nay đang rẻ hơn chợ truyền thống. Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng khách vào siêu thị tăng 15-20% so với cùng kỳ Tết năm 2019. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh này, hầu hết các doanh nghiệp tăng lượng hàng gấp 2-3 lần, nhiều đơn vị còn chủ động khai thác lượng hàng từ khu vực phía Nam về để cung ứng cho địa bàn ở TP Hà Nội.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 04 về việc ngăn chặn dịch nCoV của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước đã theo dõi sát sao diễn biến của các mặt hàng thiết yếu, kịp thời làm việc với các hệ thống phân phối lớn như Big C, Coop Mart, MM Mega Market, Vinmart và hệ thống lớn AEON để đảm bảo cung ứng cho người dân những mặt hàng thiết yếu, những thực phẩm bổ sung tốt cho sức khỏe, những mặt hàng cần cho việc chống dịch như nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang.
“Hiện nay, Vụ Thị trường trong nước kết nối với Vinatex để làm sao đưa khẩu trang có may bằng vải kháng khuẩn, có khả năng hỗ trợ cho việc chống dịch, bên cạnh đó là kết nối với các công ty hoá chất như Công ty CP Xà phòng Hà Nội để cung cấp nước rửa tay khô ra thị trường, đảm bảo đủ để cung ứng cho người dân phòng chống dịch”, bà Lê Việt Nga nói.