Khẳng định thương hiệu để cạnh tranh với hàng ngoại, giá rẻ

Thứ Hai, 19/08/2019, 01:02
Sau khi Mỹ tuyên bố tiếp tục áp thuế nhập khẩu 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và ngay sau đó, Trung Quốc đã có những động thái đáp trả cứng rắn, khiến cuộc chiến Trung - Mỹ ngày càng căng thẳng.

Lo ngại mất thị trường, nhiều loại hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc đã phải tìm thị trường mới thay thế, trong đó có Việt Nam...

So với mọi năm, mấy tháng gần đây thị trường Việt Nam đã tiếp nhận số lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến từ Mỹ. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, hàng hóa xuất xứ từ Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 6,9 tỉ USD, tăng mạnh hơn 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý mặt hàng rau quả từ Mỹ vào Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 tăng tới 70%, đạt hơn 116 triệu USD. Mặt hàng thủy sản Mỹ nhập vào Việt Nam tăng đến 67%, đạt 47 triệu USD. Ngoài ra, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc nhập từ nước này cũng tăng hơn 66%, đạt hơn 5 triệu USD.

Trái cây nhập khẩu từ Mỹ có giá rẻ bất ngờ tại thị trường trong nước.

Những năm trước, khi nói đến hàng hóa của Mỹ bán tại thị trường Việt Nam, có lẽ đối tượng tiêu thụ chủ yếu là người có thu nhập cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự “đổ bộ” của nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản Mỹ về Việt Nam, với giá hấp dẫn chưa từng có nên đại đa số người tiêu dùng (NTD) Việt có cơ hội tiếp cận được hàng Mỹ giá rẻ. 

Điển hình như trái cherry Mỹ, trước đây rất ít khi bán đại trà trên thị trường vì giá cả đắt đỏ. Loại trái cây này thường chỉ được bán tại các cửa hàng chuyên trái cây ngoại nhập hoặc những nơi kinh doanh nhập đúng theo đơn đặt hàng, không dám chứa trữ vì thời gian bảo quản ngắn chỉ 5-7 ngày. 

Tuy nhiên, vài tháng gần đây, loại quả cao cấp này được bán đại trà tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả nhập khẩu, thậm chí cả chợ và phổ biến trên mạng xã hội với giá giảm sốc 40 - 50% so với năm ngoái, chỉ dao động từ 250.000 - 450.000/kg tùy từng kích cỡ; quả việt quất – một loại quả cao cấp giá cũng chỉ còn 390.000 -480.000 đồng/kg (giảm 100.000 - 150.000 đồng/kg); nho xanh không hạtgiá 300.000 - 400.000 đồng/kg (giảm 50.000 đồng/kg), táo 39.000- 49.000 đồng/kg...

Đặc biệt, với sản phẩm chăn nuôi, sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 1-9 tới, Trung Quốc quyết định hủy mua lô thịt lợn Mỹ với khối lượng lên tới 14.700 tấn. Các chuyên gia dự báo khả năng thịt lợn từ Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới là khá lớn. 

Hiện, thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam giá không vượt quá 30.000 đồng/kg, nếu lượng lớn thịt lợn từ Mỹ tồn đọng do căng thẳng chiến tranh thương mại tràn vào Việt Nam thì giá sẽ càng rẻ hơn nữa. Trong khi đó, thị trường Việt Nam do bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, thời gian này nguồn cung thịt lợn đang thiếu hụt, đã đẩy giá lợn tăng khá cao 40-50.000 đồng/kg lợn hơi và nguồn thiếu hụt này có thể kéo dài đến cuối năm.

Tương tự, mặt hàng thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam hiện đang có giá siêu rẻ. Tại các siêu thị, giá đùi, cổ, cánh gà Mỹ được niêm yết giá dao động từ 38.000 - 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà ta tươi sống trên thị trường hiện vào khoảng 110.000 -150.000 đồng/kg. Các Hiệp hội chăn nuôi lo ngại, thời gian tới nếu thịt gà, thịt lợn Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ sẽ đe dọa đến ngành chăn nuôi trong nước.

Riêng mặt hàng thủy hải sản của Mỹ, phần lớn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, trong đó tôm hùm chiếm 80%. Chính vì vậy, trong thời gian qua tôm hùm Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ bất ngờ. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm cả nước nhập khẩu hơn 100 tấn tôm hùm từ Mỹ, trị giá hơn 1,7 triệu USD, bình quân mỗi kg tôm hùm có giá hơn 385.000 đồng. Trong khi đó, qua tìm hiểu được giá tôm hùm trong nước đang dao động khoảng 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg.Với mức giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại ở Việt Nam, tôm hùm Mỹ đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn với sản phẩm tôm hùm trong nước.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu diễn ra từ tháng 3-2018, đến nay hơn đã hơn một năm, diễn biến không có dấu hiệu “hạ nhiệt” mà ngày càng căng thẳng. Dự báo trước tình hình, để tránh áp lực tại thị trường Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, nhiều công ty xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Mỹ đã chọn Việt Nam là “điểm đến” hấp dẫn để thay thế thị trường Trung Quốc. 

Tại triển lãm về ngành thực phẩm - đồ uống diễn ra vào tháng 4-2019 tại TP Hồ Chí Minh, lần đầu tiên triển lãm đã thu hút nhiều Hiệp hội thương mại và công ty chuyên cung cấp thực phẩm, đồ uống của Mỹ tham gia, giới thiệu những sản phẩm sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, phô mai, ngũ cốc, nho khô, quả việt quất... 

Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ 6 của Mỹ trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm. Các mặt hàng đậu nành, thịt, sữa các loại nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng khá tốt.

Với những diễn biến của thị trường, ngoài mối lo hàng hóa Trung Quốc tràn sang thì DN Việt Nam còn phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ mới, đó là cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Mỹ tại thị trường nội địa. Điều này đặt DN trong nước trước áp lực phải nỗ lực cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, để bảo vệ hàng hóa trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh của nước ngoài, công cụ cần thiết và hiệu quả chính là áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá, biện pháp trợ cấp, biện pháp tự vệ). Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực hàng ngoại nhập nhưng cũng sẽ không làm mất cơ hội của NTD được tiếp cận với hàng giá rẻ nhập khẩu.

T.Hà – T.Giang
.
.
.