Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm, 28/02/2019, 16:00
Ngày 28-2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các tỉnh có dịch tả lợn châu Phi (ASF). Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên cả lợn rừng. Hiện đã có hơn 2.300 con lợn phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 172.500 kg.


Trên thế giới hiện đã có hơn 20 nước có dịch, nhưng theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) gần như các nước xung quanh Việt Nam có dịch nhưng chưa chính thức công bố, trừ Trung Quốc. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay bệnh ASF đã xảy ra tại 20 xã ở 13 huyện của các tỉnh thành: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam.

Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là gần 2.350 con (với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn trên 172,5 tấn) và đã gây ra tổn thất hàng chục tỷ đồng. Trong đó, địa phương mới nhất phát hiện có dịch là Hà Nam. 

Ở tỉnh này, bệnh ASF được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn. Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp.

Ngoài ra, Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Theo ông Tiến, một trong những nguyên nhân  khiến dịch lây lan là việc sáp nhập cơ quan thú y cấp huyện thành trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, nhưng việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật bị trì trệ, không hiệu quả, có nhiều tồn tại, bất cập. 

Trong đó, các cơ sở không tổ chức chủ động giám sát, kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo tình hình dịch bệnh, không tổ chức thực hiện việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng, không triển khai tiêm phòng vắc xin, không xử lý các trường hợp vi phạm... 

Ngoài ra, một yếu tố nữa khiến dịch bệnh lây lan là do giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg. Thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng mắc... nên dẫn đến người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Nếu không quyết liệt ngăn chặn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi. Quan trọng nhất hiện nay là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính". Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, chính sách hỗ trợ tiêu hủy đang ở mức 27.000 - 38.000 đồng/kg, nhưng thủ tục hành chính lại rất phức tạp khiến người chăn nuôi chậm nhận được tiền. 

    Dù không lây sang người nhưng dịch ASF lây lan nhanh, chưa có vắc xin phòng bệnh nên sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bên liên quan cần làm rõ chính sách hỗ trợ để việc chống dịch được thông suốt. Những tỉnh có dịch và các tỉnh giáp ranh chưa có dịch cần lên phương án phòng chống theo các cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó, cần lưu ý diễn biến dịch hiện nay phức tạp, có xu hướng lan rộng tại nhiều địa phương, do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ dịch bệnh và cùng vào cuộc. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương huy động hệ thống chính trị vào cuộc, có biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi trong phạm vi của địa phương. Dự kiến, Thứ 2 tuần tới (ngày 4/3), Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chỉ đạo chống dịch tả lợn châu Phi với 63 tỉnh thành. 

        

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 28-2, đã có 6 địa phương phía Bắc phát sinh các ổ dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn chết và phải tiêu hủy gần 2.400 con, trong đó đã có đàn lợn rừng 25 con đầu tiên nhiễm dịch tả tại Hà Nội.

Tại Hà Nội, ổ dịch đầu tiên tại Hà Nội đã được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên). Kết quả xét nghiệm cho thấy, toàn bộ 25 con heo rừng nuôi dương tính với bệnh và đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn. 

Tại Hà Nam, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đã được phát hiện tại 1 hộ chăn nuôi lợn rừng ở Văn Xã (huyện Kim Bảng). Tất cả 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lấy mẫu lợn của các hộ xung quanh xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Đến nay, không có phát sinh lợn bệnh tại địa phương này.

Thống kê cho thấy, dịch tả lợn lợn châu Phi đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam. Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con, gâ tổn thất hàng chục tỷ đồng.

Theo Cục Thú y, nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh là do tần suất vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua cao. Bên cạnh đó, người dân biên giới giáp Trung Quốc, nơi đang có dịch vẫn diễn ra các hoạt động giao thương nên mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.


Chi Linh
.
.
.