Hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử

Chủ Nhật, 01/04/2018, 09:59
Nhiều tập đoàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam, bán hàng qua mạng và trở thành xu thế tất yếu. 

Trên thực tế, thông qua các trang TMĐT, người tiêu dùng (NTD) trong nước mua được những sản phẩm ngoại nhập chính hãng, còn sản phẩm Việt chào bán ra nước ngoài thông qua kênh phân phối này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, mới đây, thông tin “ông lớn” Amazon (Mỹ) sẽ hợp tác với Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ xuất khẩu hàng hoá cho DN vừa và nhỏ của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế thông qua sàn TMĐT khiến các DN phấn khởi... 

Liên quan đến vấn đề này, tại một hội thảo về TMĐT vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Gijae Seong, Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore thông tin: Thị trường bán lẻ toàn cầu đang di chuyển ngày càng nhanh qua TMĐT. 

Các trang thương mại điện tử lớn nước ngoài bán sản phẩm ngoại cho người tiêu dùng Việt.

Doanh thu của TMĐT trong năm 2016 đạt hơn 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng hơn 100% trong 4 năm tới. Đây là thay đổi rất lớn trong ngành bán lẻ nói chung, khi tăng trưởng cả ngành chỉ mới đạt ở mức 26%. 

Trong TMĐT thì bán hàng xuyên biên giới phát triển với tốc độ nhanh nhất, đang ở mức 20 - 30%, sẽ tăng trưởng 20 - 30% trong vài năm tới. Cùng xu hướng đó thì Amazon cũng đang đầu tư để giúp người bán tiếp cận trên toàn thế giới một cách hiệu quả nhất.

“Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ nhân viên ở Đông Nam Á để giúp người bán, chủ thương hiệu, nhà sản xuất, tận dụng kênh phân phối trực tuyến bán hàng toàn cầu, tiếp cận khách hàng qua các trang bán hàng của Amazon” ông Gijae Seong khẳng định. 

Amazon hiện có tổng cộng 13 thị trường bán lẻ gồm: 3 thị trường ở Bắc Mỹ, 5 thị trường ở châu Âu, 3 ở châu Á và 2 thị trường mới nhất là Brazil và Úc. Có khoảng 300 triệu khách hàng đến từ 189 quốc gia và người bán đến từ 172 nước, trong đó có Việt Nam. 

Ngoài thương hiệu toàn cầu, các trang TMĐT của Amazon cũng đều nằm trong top các trang được truy cập nhiều nhất. Thị trường bán lẻ và bán hàng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, hơn 50% mặt hàng được bán trên Amazon là đến từ bên thứ 3 trong số đó người bán quốc tế chiếm 25% tổng doanh thu.

Để hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, Amazone sẽ phối hợp với Vecom để đưa chuyên gia, giáo trình vào Việt Nam đào tạo, hướng dẫn DN. Đại diện Vecom cho biết, trong tháng 4 này sẽ mở lớp đầu tiên để đào tạo DN. 

Thông qua chương trình này, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, cũng như xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Thực tế cho thấy, các trang TMĐT lớn trên thế giới đầu tư tại thị trường Việt Nam phần lớn đều bán hàng hóa của nước ngoài cho NTD Việt Nam. 

Trong khi đó, rất ít DN Việt Nam bán sản phẩm Việt ra nước ngoài thông qua sàn TMĐT. Vì vậy, khi Amazone hỗ trợ DN Việt xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT, đã có không ít DN cho biết sẽ chớp lấy thời cơ, nhưng cũng rất nhiều DN băn khoăn cho rằng, để đầu tư bán hàng trên TMĐT cần phải có một bộ máy nhân sự riêng biệt, cần có nguồn vốn lớn để vận hành, quản lý. 

Chi phí cao, nhưng doanh thu bán hàng không biết thế nào trong khi DN cũng đã ổn định với phương thức bán hàng trực tiếp. 

Theo nhận định của chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hoàng, khi có sự tham gia mạnh hơn của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Amazone, sẽ kích thích mua bán online phát triển với tốc độ nhanh hơn, thị trường logistic sẽ tăng trưởng mạnh. NTD có nhiều sự lựa chọn hơn và dễ dàng mua được hàng hóa nước ngoài với chi phí vận chuyển hàng thấp hơn nhiều so với mức hiện nay. 

Đây là cơ hội cho các DN Việt Nam bán sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài, nhưng cũng là thử thách, đánh giá năng lực đầu tư, phát triển TMĐT của DN Việt Nam đến đâu. 

Vì vậy, để cạnh tranh, DN cần nhanh chóng đầu tư bài bản TMĐT, vì bán hàng online theo cách truyền thống sẽ ngày càng bị thu hẹp lại. Nên đầu tư nhân sự tập trung phát triển bán hàng online, không chỉ bán hàng trong nước mà cả bán hàng xuyên biên giới. 

Khi Amazon hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu, DN nên tận dụng cơ hội này để nắm rõ cách thức bán hàng qua các nước. Với kinh nghiệm làm việc được với Amazone, từ đó DN Việt Nam cũng sẽ giao thương quốc tế được qua các trang Alibaba, Ebay, Taobao…

T.Hà - N.Cẩm
.
.
.