Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh nhưng khó thu thuế

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:15
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam dự báo sẽ đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2020. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong năm 2017, TMĐT của Việt Nam tăng trưởng trên 25%, và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020.

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng ngàn website TMĐT cho thấy, doanh thu tăng trưởng 35%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, với nền tảng rất tốt như hiện nay điều quan trọng là các cơ quan quản lý cần tạo khung chính sách hiệu quả, đặc biệt về chính sách thuế.

Theo dự báo của Google & Temasek, từ 2015 - 2025 TMĐT Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 33 - 35% hàng năm, gấp 3 lần mức tăng trưởng của ngành bán lẻ truyền thống, làm thay đổi mạnh mẽ trong cách thanh toán cho các giao dịch.

Một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam gần đây cũng cho thấy, qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì có 25% số người được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng. Khoảng 45 - 50% số người được hỏi cho rằng họ sẽ mua sắm trực tuyến.

Kinh doanh online hiện đang phát triển mạnh.

Thực tế trên cho thấy, nhu cầu và xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam đang rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia thì lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và cơ quan thuế vẫn khó “đòi” được thuế từ loại hình kinh doanh này.

Tại “diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2018” diễn ra ngày 16-3 tại TP Hồ Chí Minh, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng chính sách thuế TNDN, Vụ chính sách (Tổng cục Thuế) khẳng định, chính sách thuế đã quy định rõ ràng về đối tượng hoạt động TMĐT và cũng như nộp từng loại thuế.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động theo pháp luật Việt Nam phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Nếu DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng thì có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

Còn nếu DN có doanh thu trên 1 tỷ đồng thì sẽ được kê khai nộp thuế theo phương pháp GTGT, phương pháp khấu trừ và nộp thuế TNDN theo phương pháp kê khai lấy doanh thu trừ đi chi phí và nhân thuế suất 20%. Còn với các tổ chức nước ngoài kinh doanh và có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thì phải nộp thuế nhà thầu.

Đối với hộ cá thể, cá nhân kinh doanh (nhóm này kinh doanh chủ yếu trên mạng zalo, facebook) nếu doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải có nghĩa vụ kê khai nộp thuế GTGT và nộp thuế TNCN. Tuy nhiên, hoạt động TMĐT tại Việt Nam là mô hình mới, về quản lý thuế hiện nay cơ quan thuế đang gặp không ít khó khăn.

Về việc cấp phép đăng ký kinh doanh liên quan đến hoạt động TMĐT, có một số ngành nghề mặc dù pháp luật cho phép kinh doanh... tuy nhiên, phân theo mã ngành hoạt động kinh doanh thì chưa có mã ngành này do vậy khó xác định nghĩa vụ thuế; hoặc về vấn đề sử dụng hóa đơn giấy, hiện nay ở Việt Nam còn chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy, có một số DN đăng ký kê khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Tuy nhiên, số DN này vẫn còn ít, chưa có hệ thống kết nối giữa hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Một khó khăn nữa trong quản lý thuế đối với TMĐT đó là thu thuế nhà thầu của các các tổ chức nước ngoài.

Một số DN mua hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức nước ngoài kê khai nộp thuế thay cho tổ chức nước ngoài thì dễ xác định thuế. Nhưng cũng có một số DN mua nhưng không kê khai nộp thuế, thất thu thuế nhà thầu đối với các tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam.

Còn đối với một số tổ chức, cá nhân có bán hàng, hoặc đăng quảng cáo bán hàng trên các website, thì hiện nay đang phát triển rất mạnh trên mạng như Facebook, Zalo, nhưng khi bán hàng họ không xuất hóa đơn hoặc giao hàng, thanh toán kênh riêng, thành ra chưa kê khai đầy đủ doanh thu cho cơ quan thuế.

Đặc biệt, trong hoạt động TMĐT cơ quan thuế cũng gặp khó khăn trong việc xác định các bản chất giao dịch để đánh thuế.

Như Uber có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng để xác định đúng hoạt động kinh doanh của Uber thuộc loại nào thì hiện nay cơ quan chức năng vẫn còn đang tranh cãi…

Trước những khó khăn trong việc quản lý thuế trong hoạt động TMĐT, bà Mai cho rằng, cần sửa đổi một số quy định của các Luật Thuế TNDN, Luật Thuế TNCN, Luật Quản lý thuế… hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến và phù hợp thông lệ quốc tế.

Hiện, ngành Thuế cũng nghiên cứu xây dựng đề án trình Chính phủ trong 2018 này, đề án hóa đơn điện tử để khuyến khích 100% DN sử dụng hóa đơn điện tử và có kết nối với cơ quan thuế, tạo thuận lợi trong việc giao dịch mua bán, tránh sử dụng hóa đơn giả.

Bà Lại Việt Anh – Phó Cục Trưởng  Cục TMĐT và Kinh tế số cũng khẳng định, thời gian qua TMĐT Việt Nam phát triển nhanh, tốc độ phát triển 20-30%/năm và 2017 tốc độ 25%. Tuy nhiên để duy trì tốc độ tăng trưởng cao này thì cần nỗ lực rất lớn của DN và cơ quan quản lý Nhà nước.


Thúy Hà
.
.
.