Sóc Trăng:

Hành tím Vĩnh Châu được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý

Chủ Nhật, 13/09/2020, 14:46
Hành tím là đặc sản của thị xã Vĩnh Châu và là một trong số các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. 

Ngày 13/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu, tổ chức trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh.

Hành tím Vĩnh Châu được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. 

Hành tím là đặc sản của thị xã Vĩnh Châu và là một trong số các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao, giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. 

Hiện diện tích trồng hành tím của Sóc Trăng là 6.500ha, được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. 

Chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Quyết định số 2665/QĐ-SHTT, ngày 28/5/2019, với khu vực địa lý gồm: Phường 1, Phường 2, phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Hải, xã Vĩnh Tân, xã Lạc Hòa và xã Lai Hòa. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thu hoạch hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). 

Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm tỉnh Sóc Trăng. 

Sở KH&CN đã chọn được 6 tổ chức, cá nhân để tiến hành trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu”, gồm: HTX hành tím Vĩnh Châu; HTX rau màu Hòa Thành; Công ty TNHH Long Châu Dương; Công ty TNHH Vạn Thành; Cơ sở thu mua hành tím Vĩnh Châu và cơ sở thu mua hành tím Văn Thành. Đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng và là chỉ dẫn địa lý thứ 75 được bảo hộ tại Việt Nam.

Việc cấp chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím là cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp, người sản xuất nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ những giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm đối với người tiêu dùng. 

Đây cũng là sự đóng góp và nỗ lực không nhỏ của các doanh nghiệp, người sản xuất trên cơ sở những chính sách, giải pháp đúng đắn Nhà nước về phát triển KH&CN, tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại hóa các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Văn Đức
.
.
.