Hàng nhập lậu đội lốt Chanel, Gucci...

Thứ Sáu, 22/11/2019, 08:52
Ngày 21-11, cơ quan chức năng TP Hà Nội cho biết, đã phát hiện một lượng lớn hàng hóa sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách có chữ Trung Quốc ghi trên nhãn mác lẫn với số hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci...


Trước đó, chiều 20-11, kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành TP Hà Nội gồm: Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục QLTT Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội có sự phối hợp của Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra tại địa chỉ ngõ 136 Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai là trụ sở một công ty TNHH. 

Bước đầu đoàn liên ngành đã lập biên bản tạm giữ hàng triệu nguyên, phụ kiện, sản phẩm tem nhãn, hóa đơn, vỏ hộp, áo quần, váy và 2 chiếc máy may công nghiệp phục vụ đính dán các nhãn hiệu nổi tiếng vào sản phẩm.

Lượng sản phẩm quần áo, tem nhãn, hóa đơn, phụ kiện bị niêm phong.

Theo Đội Quản lý thị trường số 1, để có căn cứ quyết định thời điểm kiểm tra những dấu hiệu nghi vấn đã được sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nêu trên về số hàng hóa nghi vấn, nhận định ban đầu có nhiều khả năng đây là hàng lậu xuất phát từ biên kia biên giới đưa vào Việt Nam rồi đưa về Hà Nội do đường dây nhập lậu sản phẩm quần áo, váy Trung Quốc để cắt bỏ nhãn mác gốc rồi gắn nhãn mác thương hiệu nổi tiếng vào các sản phẩm để bán ra thị trường. 

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đường dây này không chỉ khép kín về quy trình nhập hàng, bóc tách riêng các loại nhãn mác, bao bì, mà còn để tiếp thị đến các điểm phân phối sản phẩm (chủ yếu là thực hiện với người mua qua mạng xã hội). 

Đoàn liên ngành đánh giá tại thời điểm phát hiện kiểm tra đã phát hiện số lượng sản phẩm lớn như quần áo, giày dép, túi xách có nhãn mác chữ Trung Quốc xen lẫn số hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Louis Vuitton, Gucci... và nhiều nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng. 

Khi đoàn liên ngành TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện nhiều nhân viên ở đây đang thực hiện công đoạn cắt nhãn mác hàng Trung Quốc, đồng thời gắn mác thương hiệu nổi tiếng đưa số hàng hóa này đóng gói vào túi chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. 

Nếu hành vi gian lận của đường dây nêu trên không bị phát hiện thì hệ quả sẽ rơi người tiêu dùng ưa chuộng thương hiệu nổi tiếng, nhất là khi phía người bán hàng cho khách còn kèm theo hóa đơn thể hiện là hàng được đưa từ Hồng Kông, Trung Quốc về. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng trăm kilogam hóa đơn hàng hóa nhãn mác nêu trên bị thu giữ. Hiện vụ việc đang được Đoàn công tác liên ngành TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Đào Minh Khoa
.
.
.