Hàng hóa phục vụ Tết: Cần kiểm soát mức tăng giá ở thị trường tự do
Hà Nội tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để dự trữ hàng hóa lên tới 2.700 tỷ đồng để bình ổn giá. Tuy nhiên, 75% hàng hóa ở thị trường tự do phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân không nằm trong diện được bình ổn thì rất khó kiểm soát giá dịp Tết.
Bình ổn giá… ngược
Có mặt ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chúng tôi được biết, đến thời điểm này các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán đã được tiểu thương nhập về đầy đủ. Hàng ngày, lượng bán buôn từ chợ Đồng Xuân đi các nơi chiếm con số rất lớn, đặc biệt là các mặt hàng khô, đồ hộp, bánh mứt kẹo, đồ uống…
Theo một số tiểu thương ở đây thì các mặt hàng này mấy năm nay không xảy ra “cháy” vì nguồn cung dồi dào, giá thời điểm này chưa có biến động. Tuy nhiên, khoảng 20 đến 28 Tết, giá sẽ nhích lên nhưng không đáng kể. Tăng nhiều nhất vẫn là những mặt hàng tươi sống như: giò chả, gia cầm, thịt, cá các loại…
Theo Sở Công Thương Hà Nội dự báo thì nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán như sau: Gạo sẽ tăng từ 5-7%, thịt lợn tăng 18-20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10-15%.
Năm nay Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng Tết năm ngoái. Thay vì sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp thì Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số tiền vốn là 2.700 tỷ đồng.
Những mặt hàng chuẩn bị để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết gồm 190.600 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thịt gà, 12.300 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng gia cầm, 3.500 tấn nông lâm sản khô, 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát.
Người tiêu dùng có cơ hội được mua hàng bình ổn giá dịp Tết. Ảnh minh họa: CTV |
Là doanh nghiệp nhiều năm thực hiện bình ổn giá, ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, Hapro sẽ tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá trước, trong và sau Tết để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, bán đúng giá quy định, góp phần giữ ổn định thị trường.
Ngoài các mặt hàng truyền thống do các đơn vị thành viên của Hapro sản xuất như rượu vang Thăng Long, gạo Đồng Tháp, giò, bánh chưng, xúc xích, chân giò hun khói… Hapro còn chuẩn bị nguồn hàng nhập khẩu, phân phối như hoa quả, bánh kẹo, rượu, đặc sản các vùng miền, hàng khô, thịt gia cầm, gia súc tươi sống…
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cách bình ổn giá bằng việc cho doanh nghiệp vay vốn ngân sách với lãi suất ưu đãi là cách làm ngược. Bình ổn giá phải cung cấp cho nơi sản xuất hàng hóa chứ không phải cho doanh nghiệp bán lẻ. Hàng hóa của doanh nghiệp được vay vốn chủ yếu bán ở siêu thị, trung tâm thương mại, mà 75% thị phần tiêu dùng lại ở thị trường tự do là chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ. Do vậy không thể quyết định quỹ giá ở thị trường tự do.
“Giò nóng, thịt tươi, cá đang bơi… chủ yếu là ở thị trường tự do. Vào 28-29 Tết, các mặt hàng này đều tăng khoảng 30%, ai quản lý, ai kiểm soát với hàng vạn tiểu thương? Bình ổn giá hiện nay đang làm ngược, bình ổn cho người giàu vì chủ yếu người có điều kiện mới thường xuyên mua hàng ở siêu thị” – ông Phú nói.
Theo ông Phú thì để không có đột biến về giá, chúng ta phải kiểm soát được thị trường tự do. Từ sau “ông Công, ông Táo” đến 28 Tết, cơ quan chức năng phải tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, giá thực phẩm. Ông Phú lo ngại với việc tổ chức các đoàn kiểm tra như hiện nay thì không thể kiểm tra xuể. Đặc biệt, lực lượng Quản lý thị trường địa bàn nếu không làm hết trách nhiệm, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa dễ dàng bị bỏ lọt, trà trộn.
Người tiêu dùng có cơ hội được mua hàng bình ổn giá dịp Tết. |
Khó vào hệ thống bán lẻ
Hiện nay, các siêu thị lớn như Big C, Vinmart đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Để tránh khan hàng, sốt giá, nhiều doanh nghiệp đã nhập hàng hóa từ trước Tết cả tháng. Riêng đồ tươi sống đã hợp đồng với các đơn vị chăn nuôi, sản xuất trước đó. Hà Nội cũng đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt vào dịp Tết bằng tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn.
Theo Sở Công Thương thì Sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân lao động.
Đến nay có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa tới hơn 10 nghìn điểm bán hàng phục vụ người dân. Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, Sở yêu cầu các doanh nghiệp phải bày bán hàng đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Theo ông Vũ Vinh Phú thì hiện nay, hàng Việt đẹp, ngon rất khó vào hệ thống bán lẻ do chiết khấu cao, chi phí nhiều…Do vậy, phải ngăn chặn sự chi phối của hệ thống bán lẻ bởi hệ thống phân phối hiện nay chỉ quan tâm đến siêu thị, trung tâm thương mại, còn ở chợ dân sinh lại bỏ trống.
Theo ông Phú, khâu phân phối hiện nay phải điều chỉnh lại hoặc phải luật hóa, bởi đây là khâu trung gian nhưng lợi nhuận lại cao, giá thành đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên trong khi người sản xuất chỉ thu về giá thấp.