Hai doanh nghiệp lớn cam kết “kéo” giá lợn xuống mức 75 nghìn đồng/kg

Thứ Hai, 17/02/2020, 09:44
Ngày 16-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi tại 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Làm việc với đoàn công tác của Bộ, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi được đàn lợn nái so với lúc trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, thậm chí còn tăng khoảng 5% so với năm 2019. Bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 17 nghìn con lợn thịt.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, và đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công ty đã giảm giá lợn liên tục trong vòng 1 tháng qua, từ 85 nghìn đồng/kg đến nay xuống còn 75 nghìn đồng/kg, công ty cũng không mong muốn giá lợn hơi trong nước quá cao bởi sẽ tạo ra sự bất ổn đối với ngành chăn nuôi.

Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, ông Nguyễn Như So cho biết, doanh nghiệp này cam kết đồng hành cùng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong bình ổn giá lợn và thị trường thực phẩm. 

Theo ông So, giá thành chăn nuôi đang cao hơn trước đây rất nhiều, chắc chắn không còn mức 37 nghìn đến 40 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, chi phí để nuôi được một con lợn thịt trên 1 tạ xuất chuồng hiện nay với con giống tự sản xuất của doanh nghiệp là 1,2 triệu đồng/con; trong đó, chi phí về cám; thuốc thú y, thuốc sát trùng; tiền thuê nuôi gia công cộng với hao hụt đầu lợn khoảng 5%. Như vậy có thể thấy, giá thành chăn nuôi lợn hiện tại là hơn 50 nghìn đồng/kg.

Giải thích về mức giá trên thị trường hơn 80 nghìn đồng/kg, nhưng hiện nay Dabaco đang bán lợn giá thấp nhất là 73 nghìn đồng/kg, giá bình quân từ 74 nghìn đến 75 nghìn đồng/kg, ông So chia sẻ, có những vùng hiện nay chăn nuôi còn giữ được đàn thì giá có thể thấp hơn nữa.

Hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa giá xuống đối với Dabaco và các doanh nghiệp khác cũng phải đồng hành để đưa ra giá hợp lý nhất. Đồng thời phải đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, chia sẻ với những khó khăn của nền kinh tế như hiện nay.

Tại buổi làm việc với 2 doanh nghiệp trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng để ứng phó dịch tả lợn Châu Phi.

Việc các doanh nghiệp đồng lòng hưởng ứng giảm giá lợn không phải là nhiệm vụ chính trị mà chính là vì tương lai của ngành chăn nuôi, của chính các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi việc giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Xuân Cường biểu dương công tác phòng chống dịch cúm gia cầm nói chung, tái đàn chăn nuôi an toàn nói riêng của các doanh nghiệp. 

Bộ trưởng đề nghị, công ty CP với vai trò doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và công ty Dabaco doanh nghiệp nội hàng đầu trong chăn nuôi tại Việt Nam tiếp tục tiên phong, đồng hành chia sẻ với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nông dân cũng như người tiêu dùng điều chỉnh theo hướng giảm giá lợn hiện nay.

C.Linh
.
.
.