Hạ lãi suất về 0%: Có khả thi?

Thứ Tư, 23/06/2021, 07:44
Với lập luận rằng nếu lãi suất huy động hạ dần về 0%, lãi suất cho vay ra nền kinh tế cũng sẽ giảm theo, giảm tải gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, ngày 22/6, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có văn bản gửi cơ quan chức năng kiến nghị về vấn đề này.

Trong văn bản gửi Chính phủ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, VAFI dẫn các nước Âu – Mỹ, các nước Đông Âu và các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5% - tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người  thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

“Các nước trong khối ASEAN như Thailan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2-0,7%/năm. Còn với nước ta tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5- 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2-3 lần. Đây là bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình”, VAFI lập luận.

Lãi suất huy động hiện ở mức 3,5-6,2%.

Để thuyết phục hơn, VAFI cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như chính trị ổn định, nền kinh tế đã, đang và tiếp tục phát triển với tốc độ cao hơn các nước trong khu vực và các nước Âu, Mỹ.

Cùng với đó, xuất khẩu đã, đang và tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, đã ở vị thế là quốc gia xuất siêu và hằng năm thu được nguồn ngoại tệ rất lớn nhờ xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Hằng năm có lượng kiều hối lớn hàng chục tỷ đô la gửi về, dự trữ ngoại tệ tại NHNN tiếp tục tăng mạnh, dự trữ ngoại tệ mạnh và vàng trong dân có thể lên tới con số trên 500 tỷ USD.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng nội địa đã vững mạnh hơn trước rất nhiều (xét về qui mô vốn và trình độ quản trị doanh nghiệp), một số ngân hàng yếu kém đã bị giải thể hoặc được hợp nhất sáp nhập...

Phân tích cụ thể hơn, theo VAFI, lãi suất của Việt Nam khó hạ nhanh là vì chúng ta chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế, đồng thời cũng ngăn chặn được nó chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như chảy vào thị trường bất động sản hay vào ngoại tệ.

“Trong thời gian qua, tân Thống đốc NHNN đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia. Mặt rất tích cực của giải pháp này là làm cho việc gửi tiền tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước và vì thế đã xuất hiện 1 dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán và thị trường chứng khoán có thêm triệu nhà đầu tư mới. Tuy nhiên mặt hạn chế của giải pháp hạ lãi suất tiền gửi là cũng xuất hiện dòng tiền nhàn rỗi khổng lồ đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng tác động mạnh tới an sinh xã hội khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua được 1 ngôi nhà cho chính mình và mặt không tích cực này sẽ cản trở mạnh khả năng hạ lãi suất tiền gửi, và như vậy dư địa hạ thấp lãi suất cho vay tín dụng là không còn nhiều”, VAFI lập luận.

VAFI đề xuất một số giải pháp để dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như: Cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. VAFI cho rằng, giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi do đặc thù riêng của từng nền kinh tế. Thực tế, hiện nay, do lãi suất huy động hạ xuống rất thấp, cộng hưởng với dịch bệnh kéo dài, cơ hội làm ăn kinh doanh, khởi nghiệp suy giảm khiến dòng tiền chuyển sang một số kênh đầu tư khác với kỳ vọng mức sinh lời cao hơn. 

Điều này thể hiện rõ nhất qua lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng 4 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng thêm khoảng 120.000 tỷ đồng, mức tăng thấp nhất trong 6 năm và chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch COVID-19.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn có cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng 2,97% so với cuối năm ngoái, còn tín dụng của nền kinh tế tăng 4,97%. 

TS Cấn Văn Lực đề cập hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền khi lãi suất giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tương đối nhanh.

Tương tự, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank thừa nhận mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu, đầu ra cũng hết sức khó khăn. Thế nhưng, việc có hạ thêm lãi suất hay không cần phải cân nhắc vì hiện nay, lãi suất tiền gửi đã thấp lắm rồi, nếu giảm thêm thì người dân có thể chuyển dịch tiền qua các kênh đầu tư khác.

Về phía cơ quan quản lý là NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục quán triệt yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. 

“NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Theo đó, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Tú thông tin.

Hà An
.
.
.