Hạ lãi suất để “nắn” 700.000 tỷ tín dụng vào sản xuất

Thứ Tư, 23/08/2017, 10:18
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng cố gắng đạt tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 21-22%. Trong 7 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 10% (khoảng 560.000 tỷ đồng). Nếu tín dụng cả năm tăng 21-22%, có nghĩa chỉ trong 5 tháng cuối năm, sẽ có gần 700.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.

Với một nền kinh tế mà đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp lên tới 90%, thì chỉ tiêu tín dụng cao là cơ hội lớn về vốn để chảy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, câu chuyện tăng tín dụng đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt trên thị trường tài chính, bởi nguy cơ dòng vốn không chảy vào sản xuất, chế biến, chế tạo mà chảy vào những khu vực có tính đầu cơ. Lý do của hiện tượng này, theo một số chuyên gia kinh tế là do lãi suất vẫn còn cao, nên nền kinh tế rất khó hấp thụ.

Lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

“Chúng ta phải xét đến yếu tố nền kinh tế có hấp thụ được tăng trưởng tín dụng 20% hay không, vì lãi suất cao thì không hấp thụ được, còn lãi suất thấp thì vào sản xuất, chế biến, dịch vụ… Bởi vậy, cần nới lỏng một chút về tín dụng, tăng cung tiền tệ, trên cơ sở đó giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Nếu làm được như vậy, tức là lãi suất giảm xuống một chút nữa thì khả năng mở rộng tín dụng đến 20% là thực hiện được.

Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích: tăng trưởng tín dụng 20% đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay không gây ra nguy cơ lớn, song điều kiện đi kèm là phải giảm lãi suất thêm nữa thì nền kinh tế mới hấp thụ được vốn.

Thực tế, trong khi tín dụng sản xuất tăng chậm thì mấy năm gần đây, tín dụng tiêu dùng, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng tăng rất mạnh. Đặc biệt, cho vay mua nhà đang chiếm thị phần rất lớn trong mảng cho vay tiêu dùng. Số liệu khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho thấy, cho vay mua và sửa chữa nhà ở luôn chiếm tỷ trọng trên 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, vốn rót vào các lĩnh vực nóng, đặc biệt là rót vào bất động sản hiện nay ngày càng “tinh vi”, nhằm né quy định của NHNN. Các ngân hàng hiện không còn trực tiếp cho vay doanh nghiệp bất động sản mà chuyển sang cho người tiêu dùng vay mua nhà và cho vay tài trợ vật liệu xây dựng, ví dụ buộc doanh nghiệp bất động sản mua vật liệu xây dựng cho 1 doanh nghiệp vật liệu xây dựng chỉ định - 1 hình thức chia nhỏ ra để “né” quy định.

Về câu chuyện giảm lãi suất, cùng với chỉ đạo tăng trưởng tín dụng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh so với giai đoạn trước, song số khách hàng được tiếp cận với lãi suất lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa nhiều.

Đại bộ phận doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9-12%/năm, lãi vay tiêu dùng lên tới 20-30%/năm, trong khi nhiều nước trong khu vực lãi suất trung bình chỉ 5-6%/năm, điều này khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiện lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định là cơ hội để giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất có nhưng không nhiều; để mặt bằng lãi suất giảm đại trà là rất khó. Bởi vậy, NHNN cần tập trung vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên, hướng tới chất lượng thay vì số lượng.

Lệ Thúy
.
.
.