Gỡ khó cho phát triển tín dụng tiêu dùng

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:48
Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 5,2% GDP. Tính bình quân 7 năm qua, con số này tăng trưởng lên tới xấp xỉ 20%/năm. Đây là con số khá hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Nhu cầu từ cuộc sống

Không chỉ ở Việt Nam, TDTD đã phát triển từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, trở thành một bộ phận cấu thành tất yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia. Con số nghiên cứu mới đây nhất cho hay, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Con số này tại thị trường Đức là 7,3% GDP, Anh là gần 14% GDP và Malaysia 24%...

Rõ ràng, cho vay tiêu dùng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng với những người có thu nhập thấp, thiếu lịch sử tín dụng – những người thường bị từ chối cho vay bởi các ngân hàng thương mại và buộc phải tiếp cận “tín dụng đen”.

Khách hàng của TDTD thường có mức thu nhập thấp và ít ổn định, không có tài sản đảm bảo. Họ không được các ngân hàng, với các tiêu chí chấm điểm tín dụng khắt khe chấp nhận cho vay. Hơn nữa, nhu cầu từ nhóm khách hàng này chủ yếu là những khoản vay nhỏ và ngắn hạn. Các ngân hàng thường không sẵn sàng cung cấp các khoản vay như vậy bởi vì nó làm gia tăng nhiều chi phí quản lý và hoạt động trong khi lãi thu được thường không nhiều.

TDTD ra đời và phát triển nhanh chóng bởi nó đã đáp ứng nhu cầu của nhóm dân cư này và khỏa lấp những khoảng trống mà hệ thống ngân hàng không phục vụ. Những khoản cho vay nhỏ lẻ ấy đã giúp các hộ gia đình đáp ứng được nhu cầu chi tiêu, vượt qua khó khăn nhất thời ngay cả khi thu nhập có biến động trong thời gian ngắn, và do vậy có thể giúp họ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

 Cần bỏ những rào cản 

Luật Các tổ chức tín dụng của Việt Nam ra đời năm 2010 đã tạo được một hành lang pháp lý cơ bản cho sự phát triển TDTD. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc nhất định trong khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động TDTD.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO, phân tích: “Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng quy định mức lãi suất là do thỏa thuận giữa các bên, nhưng khi đã lỡ “vung tay quá trán” hoặc kinh doanh thua lỗ thì người đi vay lại viện dẫn Bộ luật Dân sự với quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản để kiện các tổ chức tín dụng”.

Tín dụng tiêu dùng sẽ giúp nhiều người tiếp cận nguồn vốn và kích cầu nền kinh tế.

Vấn đề bỏ hay không nên bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong Bộ luật Dân sự đã từng nóng lên trong các cuộc tranh luận tại Quốc hội hồi tháng 6/2015 và đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tại đây, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đã kiến nghị trong Dự thảo sửa đổi nên bỏ quy định lãi suất không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản.

Ông cho rằng quy định này là không phù hợp, bởi thông thường các nước không dựa vào lãi suất cơ bản để quy định vấn đề này. Ví dụ ở Thái Lan, lãi suất cơ bản chỉ 1,5%/năm, nếu áp cho thị trường là vênh vì lãi suất thị trường ở Thái Lan là 6%/năm, có những khoản vay như vay tiêu dùng là 12%/năm, như vậy là nó gấp cả chục lần chứ không phải 200%.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, không quy định lãi suất trong bộ luật này vì đã có quy định ở luật chuyên ngành. Ông phân tích: “Trước đây, chúng ta quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản làm cơ sở để cơ quan điều tra truy tố hành vi cho vay nặng lãi, nhưng trên thực tế, có bao nhiêu vụ xảy ra trong dân căn cứ luật này để truy tố? Chúng ta phải tính toán lại điều khoản này thế nào cho phù hợp. Bây giờ sửa luật, chúng ta không nên đưa quy định này làm gì”.

Cũng tại kỳ họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu ý kiến: “Thực tế không có lãi suất cơ bản, các nước cũng không có... Về mặt từ ngữ, chúng ta phải xem lại. Về lãi suất cơ bản theo quy định tại Điều 483, đây là vấn đề khó. Hiện nay, chúng ta không có lãi suất cơ bản. Nói trung thực là như thế. Lãi suất cơ bản không có trên đời”.

Thế nhưng đến giờ này, lãi suất cơ bản vẫn đang có hiệu lực pháp lý và trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi, có thể ảnh hưởng trực tiếp cho sự phát triển của TDTD, đồng thời vô hình trung nó “vô hiệu hóa” một điều luật của Luật các tổ chức tín dụng.

Ngọc Long
.
.
.