Giải “bài toán” tiêu thụ nông sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 09/07/2018, 09:20
Vài năm trở lại đây, việc “được mùa mất giá” tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL dường như chuyện đã đành. Người nông dân sản xuất manh mún, không theo quy hoạch… đã tự phá vỡ quy luật cung cầu.

Trong khi đó, công tác dự báo thị trường của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả. Thương hiệu nông sản của ta xây dựng quá chậm, trong khi các nước nhập khẩu luôn áp đặt các hàng rào kỹ thuật để gây khó cho sản phẩm của nước ta. Để giải quyết “bài toán” trên, ngành chức năng – nông dân – doanh nghiệp phải cùng nhau tìm hướng đi chung…

Điệp khúc “trồng – chặt” và “giải cứu” nông sản

Việc người dân ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ ồ ạt trồng cam sành, nuôi cá tra, dừa, mía… và nay là xoài Đài Loan và mít Thái để rồi sau đó, khi giá thành các loại cây trồng vật nuôi hạ thấp thì nhà nông lại tự chuyển đổi mà không theo quy hoạch. 

Ông Lâm Hóa Thanh (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình ông gắn bó với cây mía gần 20 năm, với hơn 10 công mía. Thế nhưng, để trồng cây mía thành phẩm, ông Thanh và những hộ nông khác phải “dầm mưa dãi nắng”, đến khi nhìn rẫy mía đã đến tuổi thu hoạch, ông Thanh lại lắc đầu ngán ngẩm vì rớt giá. 

“Thương lái mua mía 400.000/tấn mía tại ruộng, còn ít hơn tiền thuê nhân công thu hoạch. Sống với cây mía đã khổ, tôi vay tiền lên liếp trồng cam sành. Cam lớn đến ngang đầu, có trái chín thì bị bệnh vàng lá gân xanh, phải đốn bỏ. Đã khổ nay lại khổ hơn” – ông Thanh, ngậm ngùi.

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc “trồng – chặt”, “giải cứu” nông sản như vừa qua chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, muốn không còn tái diễn cảnh “giải cứu” nông sản, điều quan trọng là làm thay đổi được thói quen, tập quán sản xuất của người nông dân, hướng họ đến những cách làm mới, tiên tiến và hiệu quả hơn. 

Đây là việc làm khó, lâu dài, nhưng cần thiết và buộc phải làm để mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thành công như kỳ vọng. 

Về mặt kỹ thuật, bà con nắm rất vững, tại nhiều hội thi nông dân giỏi, họ am hiểu kỹ thuật nông nghiệp hơn cả kỹ sư. Nhưng điều quan trọng nhất là thị trường thì nông dân không biết, cuối cùng họ thấy trồng khoai lang bán được thì bỏ lúa trồng khoai, cá tra có giá thì đốn vườn đào ao nuôi cá tra… 

Các loại cây khác cũng vậy, nhưng trồng xong lại không biết bán cho ai dẫn tới điệp khúc “trồng - chặt”. Điển hình như tỉnh Bến Tre, với hơn 71.000 ha trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa của cả nước, với hơn một triệu nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ dừa. 

Mấy tháng qua, giá dừa khô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều nông dân bán dừa không đủ trả chi phí cho nhân công thu hoạch, phân bón, chăm sóc vườn dừa. Nhiều hộ đã “bấm bụng” mà chặt bỏ cây trồng vốn được xem là gắn bó máu thịt với bà con nơi đây qua bao đời. Nhưng đốn xong cây dừa thì họ chẳng biết trồng cây gì thay vào đó. 

Ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công thương Bến Tre cho rằng, qua số liệu thống kê hằng năm thì giá dừa trên thế giới những tháng đầu năm đều có xu hướng giảm và thị trường tỉnh Bến Tre cũng không nằm ngoài quy luật đó. 

Đồng thời, từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo nên nhu cầu cơm dừa nạo sấy giảm. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á vào mùa thu hoạch nên giá giảm theo quy luật cung - cầu, việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp khó khăn theo. 

“Đây là việc lặp đi lặp lại hàng năm, thế nhưng bây giờ người dân không vượt qua được giai đoạn khó khăn này thì đến vào tháng 9, tháng 10, giá dừa tăng cao. Nhà vườn lại mua dừa giống trồng tiếp. Tuy nhiều nhà vườn đốn bỏ dừa, nhưng diện tích dừa vẫn không giảm” – ông Khê cho biết.

Tại các hội nghị, hội thảo về phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL nhận thấy một thực trạng: Về phía doanh nghiệp, sau khi ký hợp đồng với nước ngoài họ cần sản phẩm với số lượng lớn. Trong khi bà con trồng ra không biết bán cho ai thì doanh nghiệp lại kêu không biết mua ở đâu, cách làm như hiện nay là tự phát, thiếu bài bản.

Quýt Lai Vung (Đồng Tháp) đã xây dựng được thương hiệu riêng, giá bán rất cao.

 “Nút thắt” đang nằm ở đâu ?

Trách nhiệm của ngành nông nghiệp từ Trung ương tới địa phương phải làm như thế nào để người nông dân tổ chức sản xuất hiệu quả nhất trên chính mảnh đất của mình. 

Trước mắt cần nhìn nhận sản xuất nông nghiệp được đầu tư trước đây hầu như là để phù hợp cho việc trồng cây gì, nuôi con gì, mô hình kết hợp thế nào là hiệu quả. Nếu muốn thay đổi quy hoạch thì phải làm tốt thị trường, nắm được đầu ra để từ đó đầu tư cải tạo hạ tầng cho hiệu quả, tránh lãng phí. 

Nhược điểm lớn nhất trong quy hoạch của ta là quy hoạch riêng lẻ từng ngành không tích hợp lại được đồng bộ, ngành nào cũng làm quy hoạch và cho rằng quy hoạch của mình là quan trọng nhất. Nông nghiệp Việt Nam còn quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chưa vươn xa được. 

Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, thương lái Trung Quốc ép giá, thì sản phẩm nông nghiệp lại xảy ra tình trạng được mùa mất giá.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nhìn nhận, thực trạng “trồng – chặt”, “giải cứu” nông sản vẫn sẽ tái diễn trong tương lai. Người nông dân chưa hình thành được thói quen canh tác sản phẩm đặc thù, mang thương hiệu để cung ứng cho các thị trường khó tính. 

“Quan trọng nhất là cơ chế quản lý của Nhà nước. Chúng ta có tầm nhìn chiến lược và quy hoạch cụ thể, thế nhưng chưa có chế tài đối với những hộ sản xuất không theo quy hoạch. Còn những hộ sản xuất theo quy hoạch thì chưa có chính sách ưu đãi. Thực tế cho thấy, vấn đề cốt lõi là người nông dân và doanh nghiệp cần phải liên kết kế hoạch sản xuất trước, nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, cơ quan chức năng là cầu nối, đảm bảo pháp lý cho sự liên kết trên” – ông Trần Anh Thư phân tích.

Quy hoạch cần gắn với thị trường 

Hầu hết các địa phương tại ĐBSCL, công tác cơ sở đã không có sự gắn kết giữa người nông dân và ngành chức năng. Chính vì thế câu chuyện báo cáo, đề xuất quy hoạch, định hướng sản xuất chỉ được “vẽ” ra mà không gắn liền với thực tế, với cái khó. 

Nông dân Trần Văn Vững (ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Quanh năm nếu được gặp ông Chủ tịch Hội nông dân hay cán bộ khuyến nông thì chỉ dịp vay vốn sản xuất. Cây trồng, vật nuôi bị dịch bệnh thì cũng không biết tìm ai tư vấn. 

Cũng không ai định hướng cho mình nuôi con gì, trồng cây gì cho phù hợp. Chủ yếu chúng tôi thấy mình thích hợp sao thì trồng vậy, dẫn đến nhiều khi trồng ra sản phẩm bán lại không có người mua hoặc mua rất rẻ”.

Theo các chuyên gia, trước tiên cần xác định trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu và việc điều tra này cần phải có sự tham gia giữa các Bộ, ngành có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. 

Sau đó, chính các doanh nghiệp này bằng các thông tin thị trường đầu ra để xây dựng quy mô sản xuất và việc còn lại là Chính phủ, chính quyền địa phương sẽ xác định vùng sản xuất với diện tích cụ thể. 

Song song đó, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng hợp tác xã hoặc tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn đã được khoanh vùng để nới rộng hạn điền nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trần Lĩnh
.
.
.