Giá xăng dầu "nhảy múa" doanh nghiệp vận tải khó đứng yên!

Thứ Năm, 07/09/2017, 10:22
Sau 4 lần liên tiếp tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp có phương án tăng cước vận tải. Dù cơ quan quản lý chưa đồng ý, nhưng cước vận tải sẽ khó đứng yên khi giá xăng dầu tiếp tục tăng.

Chiều 5-9, Liên Bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng giá xăng. Như vậy, tính từ đầu năm, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm giá xăng (giảm được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng. 

Đáng chú ý, hiện xăng đã tăng 10,8%, dầu diesel tăng 8,6% cũng đã đủ để các doanh nghiệp vận tải đăng ký tăng giá cước. Điều này dấy lên lo ngại về một đợt tăng giá cước vận tải mới để bù đắp chi phí đầu vào do xăng dầu tăng giá.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, theo thông lệ, giá xăng cứ tăng khoảng 5%, các doanh nghiệp vận tải sẽ xem xét lên phương án điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, theo ông Thanh, sở dĩ các doanh nghiệp chưa tăng cước ngay vì còn nghe ngóng. 

“Trước sức cạnh tranh của các loại hình vận tải phi truyền thống như hiện nay, doanh nghiệp vận tải truyền thống khó có thể công khai phương án tăng giá. Đó là chưa kể mỗi lần trình phương án điều chỉnh giá cước phải trải qua khá nhiều thủ tục”, ông Thanh nói. 

Xăng tăng giá, cước vận tải cũng khó giữ nguyên.

Về phía nhà quản lý vận tải, bà Nguyễn Thu Thuỷ- Phó phòng Kế hoạch tài chính (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, từ sau ngày 2-9 cho đến chiều ngày 6-9, Sở chưa tiếp nhận một hồ sơ của doanh nghiệp nào thông báo về việc xin tăng giá cước. 

Theo Thông tư số 223, Sở GTVT có chức năng tiếp nhận kê khai giá cước với tuyến cố định và taxi. Nếu đơn vị tăng giá dưới 5% tổng cước thì chỉ việc gửi văn bản thông báo, còn từ 5% giá cước trở lên thì phải được sự đồng ý của Sở GTVT. 

Vị này cũng cho biết thêm, trước kỳ nghỉ 2-9, Sở có nhận được một số văn bản trình phương án tăng giá, có đơn vị xin tăng tới 7% nhưng đều bị bác bỏ. Bởi các đơn vị trên chưa thực hiện đúng theo quy định về phương án tính giá. 

Trước đó, Sở GTVT đã có Văn bản số 2522 SGTVT-KHTC về việc bình ổn giá cước vận tải hành khách bằng ôtô, đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn thành phố rà soát các chi phí cấu thành giá; không kê khai tăng giá cước chủ động điều chỉnh giảm giá cước, tổ chức thu giá cước theo đúng phương án đã kê khai, có văn bản và phương án giá gửi về Sở GTVT Hà Nội.

Thừa nhận việc tăng giá xăng dầu đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước, tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, các doanh nghiệp vẫn đang xem xét xem có nên tăng hay không. Vì trên thực tế, thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng giảm thất thường, nếu trong vòng 15 ngày nữa mà giá xăng dầu lại giảm, thì khả năng sẽ không tăng giá. Còn hiện giờ, chưa có hãng taxi nào có động tĩnh tăng giá, chí ít sau hai tuần nữa doanh nghiệp mới đưa ra quyết định cuối cùng.                                  
Đặng Nhật
.
.
.