Giá thành rẻ hơn, người tiêu dùng vẫn quay lưng với xăng E5

Thứ Hai, 24/06/2019, 09:05
Sau 5 năm được triển khai bán đại trà, tiêu thụ xăng E5 tại TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu chùng xuống. Theo Sở Công thương thành phố, tiêu thụ mặt hàng này trên địa bàn vẫn chiếm hơn 30% lượng xăng bán ra, nhưng đầu mối phân phối xăng E5 chủ lực tại thành phố (Saigon Petro) đã phải lên tiếng than khó với cơ quan chức năng khi tiêu thụ xăng E5 của đầu mối này đang giảm mạnh.

Trong kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về chính sách để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, Saigon Petro cho biết, nếu như lượng xăng E5 do DN bán ra năm ngoái còn ở mức hơn 30%, thì sang những tháng đầu năm nay tỉ lệ xăng E5 đã sụt giảm liên tục. Tháng 3 vừa qua, lượng xăng E5 DN bán ra đã giảm chỉ còn gần 20% và mức độ giảm này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nguyên nhân khiến tiêu thụ xăng E5 đạt thấp, theo đại diện Saigon Petro là do việc tuyên truyền về tác dụng của xăng E5 của chính quyền các địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thường xuyên. Nhiều người tiêu dùng, không quan tâm tới xăng E5 do tâm lý sử dụng xăng khoáng để yên tâm về chất lượng và độ an toàn cho phương tiện. Hơn nữa, chênh lệch giá bán giữa xăng khoáng A95 và xăng E5 còn thấp, không tạo được sức hấp dẫn với người sử dụng.

Saigon Petro còn cho biết, tiêu thụ xăng E5 thấp khiến nhiều cây xăng không quan tâm đến việc bán mặt hàng này, thậm chí loại bỏ hẳn trụ bơm bán xăng E5 để chuyển sang bán xăng khoáng A95. Đã vậy, với DN xăng dầu đầu mối, nghịch lý là càng tiêu thụ mạnh xăng E5, quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp sẽ càng giảm đáng kể, đến mức có thể sẽ bị âm. Thực tế này càng không khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng xăng E5.

Để giải quyết thực trạng trên, Saigon Petro cho rằng, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 bằng số tiền cố định, không tính theo tỉ lệ Ethanol trong xăng E5 như hiện nay. Việc này sẽ tạo ra chênh lệch giá bán lẻ giữa xăng E5 và xăng khoáng A95 từ 2.000-2.500 đồng/lít để tạo sức hút với người tiêu dùng.

Về tình hình tiêu thụ xăng E5 tại TP Hồ Chí Minh, theo Sở Công Thương, hiện có 9 đầu mối cung ứng xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm 6 tổng đại lý và trên 518 cửa hàng bán lẻ. Trong số này, lượng cửa hàng bán lẻ của các DN đầu mối chỉ đạt con số 176, còn lại là của DN tư nhân. Với mức tiêu thụ đạt 130.100 m3 xăng các loại mỗi tháng, từ cách đây 5 năm, TP Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai bán xăng E5. Khi đó Sở Công Thương đặt mục tiêu đến tháng 12-2015, toàn bộ các cây xăng tại thành phố sẽ triển khai bán xăng E5.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm thí điểm, trên địa bàn cũng mới chỉ có hơn một nửa số cây xăng thực hiện bán sản phẩm này. Nguyên nhân khiến lượng xăng E5 tiêu thụ đạt thấp, ngay từ năm 2015 Sở Công Thương thành phố đã xác định do tâm lý người tiêu dùng e ngại sử dụng cộng với giá bán lẻ chênh lệch thấp so với xăng khoáng nên không khuyến khích được người sử dụng. Khi các cửa hàng bán xăng E5 đạt doanh số thấp thì mức chiết khấu sẽ ít, ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu khiến nhiều cửa hàng chưa mặn mà với việc chuyển sang bán xăng E5.

Xăng sinh học E5 vẫn không đủ sức thu hút người sử dụng ngay cả khi xăng khoáng A92 đã ngưng bán.

Cùng lúc, cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho dn sản xuất, cung ứng xăng E5 chưa kịp thời dẫn đến việc DN đầu mối không tích cực trong việc triển khai bán mặt hàng này.

Để đẩy mạnh việc tiêu thụ xăng E5 trên địa bàn, những năm qua Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai một loạt các giải pháp về cơ chế, chính sách. Cùng lúc là việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền như treo cả ngàn băng rôn về lợi ích của xăng sinh học E5 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống cũng như tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các tuyến đường trọng điểm; vận động, khuyến khích DN mở rộng mạng lưới phân phối xăng sinh học E5…

Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là chưa có được chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các DN đầu mối, tổng đại lý và cửa hàng xăng dầu về giá bán cũng như mức chiết khấu. Xăng sinh học E5 càng có điều kiện thuận lợi để nâng số lượng bán ra khi từ đầu năm 2018, xăng khoáng A92 - mặt hàng đang chiếm tỉ lệ tiêu thụ hơn 60% lượng xăng tại thành phố đã được ngưng đưa ra thị trường. Song từ khi xăng A92 chính thức bị “khai tử”, một lượng lớn người tiêu dùng đã quay sang sử dụng xăng A95, chấp nhận giá cao hơn chứ không chọn xăng E5.

Thực tế cho thấy đến nay tiêu thụ xăng E5 tại thành phố mới chỉ dừng lại ở mức 1/3 lượng xăng bán ra thì DN đầu mối đã phải nên tiếng than khó. Điều này cho thấy, sau nhiều năm có mặt tại thị trường thành phố, xăng E5 vẫn thiếu sức hút với người dùng do giá bán không chênh lệch nhiều với xăng khoáng A95.

Vì vậy, việc Saigon Petro kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính có chính sách thiết thực để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5; khuyến khích các thương nhân kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp đầu mối đầu tư hệ thống phối trộn xăng E5… nhằm thúc đẩy việc sử dụng xăng E5 đại trà hơn không phải không có cơ sở.

Nhiều cửa hàng xăng dầu ở Sóc Trăng hoạt động trở lại

Ngày 23-6, theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có trên 400 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có nhiều cửa hàng lấy nguồn từ Công ty TNHH Mỹ Hưng (My Hung Petrol) của “đại gia” Trịnh Sướng.

Sau khi ông Sướng bị khởi tố, bắt tạm giam, việc cung cấp xăng dầu từ công ty của ông này không kịp thời, gây xáo trộn thị trường, nhưng sau đó được điều tiết ổn định. Hiện nhiều cửa hàng xăng dầu trước đây lấy nguồn từ My Hung Petrol của ông Sướng trở lại kinh doanh bình thường và thay logo mới với thương hiệu xăng dầu khác.

Tuy nhiên, nhiều cây xăng của Công ty Gia Thành (Gia Thanh Petrol), do em vợ ông Sướng đứng tên pháp nhân, có địa chỉ 33 Huỳnh Văn Chính, ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, bị cơ quan Công an khám xét ngày 31-5 vừa qua vẫn đóng cửa.

V.Đức

Bảo Sơn
.
.
.