Giá tăng, nguồn lợn thịt dịp Tết có thiếu?

Thứ Năm, 17/10/2019, 09:05
Sau gần 6 tháng “vật lộn” với dịch tả lợn châu Phi, hiện địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước là Đồng Nai đã giảm khoảng 1 triệu con, từ mức 2,5 triệu con xuống chỉ còn khoảng 1,5 triệu con.

Trong khi việc tái đàn bắt đầu từ con giống và khi người chăn nuôi đang e dè việc đầu tư tái đàn, thì nguồn lợn thịt từ Đồng Nai cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và những tỉnh, thành trong khu vực sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. 

Hộ ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, trang trại của ông có đến hơn 1.000 con lợn thịt. Tuy nhiên sau hơn 5 tháng từ khi dịch xuất hiện, tháng 10 này trang trại ông chỉ còn khoảng 200 con. 

Ông Sáu cho biết, ngay khi có thông tin dịch tả lợn xuất hiện, gia đình ông đã xuất bán hơn 600 con lợn thịt dù trọng lượng chưa đạt xuất chuồng như bình thường. Số lợn còn lại nuôi cầm chừng để xuất bán mỗi tháng một ít và việc tái đàn cũng ở mức cầm chừng vì sợ dịch tả lây lan, phải tiêu hủy. 

Ông Sáu là một trong những hộ chăn nuôi may mắn không bị dịch tả lợn châu Phi lây lan tới đàn lợn trong trang trại. 

Nhưng cho đến nay ông vẫn không dám tăng đàn ồ ạt do sợ dịch sẽ quay trở lại. Theo ông Sáu, nguồn lợn giống hiện nay khá khan hiếm, giá cả lại cao nên đầu tư ban đầu về giống khá nặng khiến ông chưa thực sự mặn mà với việc tái đàn.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, đến thời điểm này trên địa bàn Đồng Nai đã tiêu hủy 412.000 con lợn nhiễm dịch tả châu Phi do dịch đã xảy ra ở 131 xã, phường, thị trấn thuộc 11/11 huyện, thị. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai ông Huỳnh Thành Vinh cho biết, những tháng qua người chăn nuôi ở Đồng Nai đã bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi. Trong đó chủ yếu là các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ khi các điều kiện về bảo vệ đàn chưa đảm bảo. Hầu hết số lợn bị tiêu hủy do dịch tả trên địa bàn là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Đến nay, khi giá lợn thit tăng cao kỷ lục, nguồn lợn thịt của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít càng khiến họ không có cơ hội gỡ vốn. Trong khi đó, đa số các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đều đã giảm đàn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nhưng nhiều DN vẫn nỗ lực hết mình để bảo toàn đàn lợn giống và phát triển đàn. 

Giá lợn hơi tăng cao kỷ lục.

Các trang trại chăn nuôi quy  mô lớn của DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài  đều thực hiện khá tốt công tác an toàn sinh học. Do đó việc khuyến khích các doanh nghiệp chăn nuôi tái đàn trong thời gian tới đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lên tiếng. 

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay tỉnh đã làm việc với nhiều doanh nghiệp chăn nuôi để đề nghị các DN nỗ lực tham gia tái đàn nhằm đảm bảo nguồn cung ứng lợn thịt cho thị trường dịp cuối năm. 

Tỉnh Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN bảo toàn và phát triển đàn lợn giống và cả lợn thịt góp phần tái phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Tuy nhiên, Đồng Nai chỉ cho phép những cơ sở đủ điều kiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh tái đàn. 

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, chưa bao giờ giá lợn hơi lại biến động mạnh như hiện nay. Giá lợn hơi ở Đồng Nai biến động từng ngày, thậm chí thay đổi từng giờ, có ngày điều chỉnh 2-3 lần giá. Từ đầu tháng 10 tới nay, giá lợn hơi dao động ở mức cao kỷ lục, từ 54 - 60 ngàn đồng/kg. 

Trong khi đó giá lợn thịt đang biến động mạnh tại các tỉnh phía Bắc khiến giá bán ở khu vực phía Nam cũng không ngừng leo thang. Hiện ở nhiều tỉnh thành, giá lợn hơi đã tăng lên trên 60 ngàn đồng/kg. Giá lợn hơi tăng kỷ lục, nhưng nhiều trại chăn nuôi lại không vội xuất bán số lợn thịt đang có vì còn kỳ vọng mức giá còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, mức giá này có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới khi nguồn lợn thịt đến kỳ xuất bán ngày càng khan hiếm. Hiện trung bình mỗi ngày Đồng Nai cung cấp gần 6 ngàn con lợn thịt cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Số lợn được vận chuyển ra thị trường phía Bắc để tiêu thụ không còn nhiều vì mức giá giữa 2 khu vực không còn chênh lệch nhiều như trước. 

Nguồn cung lợn thịt ra thị trường hiện nay chủ yếu là của các công ty lớn, nhất là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định, với tình hình này từ nay đến cuối năm, nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt mạnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bảo Sơn
.
.
.