Giá thịt lợn tăng cao kỷ lục

Thứ Sáu, 11/10/2019, 08:48
Các chuyên gia dự báo, giá thịt lợn còn có khả năng tiếp tục tăng với lo ngại sẽ thiếu thịt lợn trong dịp cuối năm.


Theo số liệu của Cục Thú y, đã có khoảng gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp nên người chăn nuôi không dám tái đàn, chuồng trại bỏ không. 

Tình trạng này khiến nguồn cung thịt lợn trong nước khan hiếm và giá thịt lợn trong những ngày gần đây tăng vọt, cán mốc 60.000 đồng/kg lợn hơi - mức giá cao chưa từng có. Các chuyên gia dự báo, giá thịt lợn còn có khả năng tiếp tục tăng với lo ngại sẽ thiếu thịt lợn trong dịp cuối năm.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm nền chăn nuôi nhiều nước châu Á “lao đao”, nhất là Trung Quốc, quốc gia này đã phải tiêu huỷ khoảng 200 triệu con lợn, rơi vào khủng hoảng thiếu thịt lợn trầm trọng. Thậm chí, trước nỗi lo thiếu thịt lợn, Trung Quốc đã phải đẩy mạnh chế biến thịt giả và lai tạo giống lợn khổng lồ 500-700kg để có thể bù đắp thiếu hụt thịt lợn. 

Ở Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi vẫn đang “càn quét” tại nhiều tỉnh, thành. Tính đến thời điểm này, trên toàn quốc đã phải tiêu huỷ gần 6 triệu con lợn. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người chăn nuôi không dám tái đàn, bỏ trống chuồng trại. 
Dự báo, giá thịt lợn trong những ngày tới còn tiếp tục tăng cao.

Thực tế ghi nhận thị trường cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay, giá thịt lợn đột ngột tăng mạnh, đặc biệt tại miền Bắc. Giá lợn xuất chuồng dao động từ 58.000 – 60.000 đồng/kg. So mới cuối tháng 9, thịt lợn đã tăng 10.000-12.000 đồng/kg. 

Tập đoàn Dabaco cũng đã thay đổi niêm yết giá thịt lợn hơi xuất chuồng lên mốc 59.000 - 60.000 đồng một kg, tuỳ vùng miền. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tập đoàn C.P điều chỉnh giá từ mức 48.000 đồng/kg lên 53.000 - 56.500 đồng/kg. Vissan nâng lên 57.500 đồng/kg. 

Tại các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, giá lợn tăng lên mốc 58.000 đồng/kg (tăng từ 10.000-13.000 đồng/kg so với cuối tháng 9). Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Tại khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, giá lợn hơi cũng dao động từ 52.000-55.000 đồng/kg. Một số tỉnh khác giá vẫn dưới 50.000 đồng/kg do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp.

Giá thịt lợn tại các chợ bán lẻ cũng tăng nhanh chóng. Kéo theo đó, giá thịt lợn tại chợ truyền thống cũng được đẩy lên cao. Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ, nạc vai, mông sấn, chân giò từ 90.000 đồng đã tăng lên 110.000 đồng/kg… 

Dự báo, giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lợi nhuận lại chủ yếu rơi vào túi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, bởi khối doanh nghiệp này chiếm 45% tổng đàn nhưng quyết định 55% tổng sản lượng thịt.

Trước những lo ngại từ thực tế giá cả thị trường trong những ngày qua, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ sẽ có những giải pháp cấp bách để ổn định giá thịt lợn, không để tăng quá cao như Trung Quốc. 

Ông Tuấn cũng thừa nhận, dịch tả lợn châu Phi làm cho chăn nuôi lợn năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Theo dự báo, cuối năm sản lượng thịt heo hơi sẽ thiếu hụt 200 ngàn tấn so với năm trước. Để bù đắp, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các vùng chưa bị dịch tả lợn châu Phi hoặc những vùng đã đảm bảo tiêu chí về an toàn dịch bệnh tái đàn, thậm chí tăng đàn. Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc tái đàn. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt của mặt hàng thịt lợn cũng sẽ được bù đắp bằng những mặt hàng thịt khác như bò, gà, vịt, các loại thủy hải sản,...

Ông Tuấn khẳng định, về tổng sản lượng thịt năm nay sẽ không thiếu nhưng thịt lợn thì giảm. "Tất nhiên, chúng ta sẽ vẫn phải nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt không chỉ dựa vào nhu cầu trong nước mà còn cả mối quan hệ thương mại với các nước", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết. 

Về số lượng thịt lợn nhập khẩu, theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ đầu năm 2019 tới nay, Việt Nam phải nhập khẩu số lượng thịt lợn khá lớn. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Đề xuất phạt tối đa 200 triệu đồng nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nêu, các hành vi được xác định là hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi có sự thay đổi, cần thiết phải có quy định mới phù hợp với Luật Chăn nuôi và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. 

Bộ NN&PTNT đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi đối với cá nhân vi phạm là 100 triệu đồng, đối với tổ chức vi phạm là 200 triệu đồng. 

Cụ thể, mức phạt tối đa được đề xuất từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên khi cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

Trúc Linh
.
.
.