Gia nhập thị trường toàn cầu, nông sản Việt dễ tổn thương

Thứ Năm, 04/07/2019, 09:37
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bức tranh hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới.

Tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức ngày 2-7 tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định, để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như các Hiệp định thương mại tự do FTAs cần chú trọng nâng cao năng lực các cấp hội nông dân và hội viên về thông tin thị trường, phương thức sản xuất, chất lượng hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Sức ép cạnh tranh lớn hơn

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bức tranh hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản thường là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, đối đầu trên thế giới.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Canada, Australia và Nhật Bản giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng nông sản của ta sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường tiếp cận các thị trường lớn nhất thế giới với ưu thế đáng kể. 

Doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong khối nhằm đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Hàng hóa nông sản của Việt Nam còn phải đối diện với sức ép cạnh tranh tại “sân nhà” đến từ việc hàng hóa các nước CPTPP tràn vào thị trường trong nước. Sức ép từ hai phía sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam cải cách mô hình kinh doanh, đầu tư hơn vào dây chuyền sản xuất và nguồn lực lao động.

CPTPP và EVFTA không phải chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu thông tin, do đó thông tin về các thị trường tiềm năng còn mù mờ, là yếu tố cản trở khi hội nhập. Ngoài ra, nông sản Việt chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao. 

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững. Đặc biệt, mối liên kết trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối hiệu quả chưa chặt, còn lỏng lẻo và bất cập.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, bài toán sản lượng và doanh thu luôn là bài toán khó; mong muốn sản phẩm nào cũng phải chiến thắng trên sân nhà là điều không thể bởi có những sản phẩm do yếu tố thổ nhưỡng, không đạt chất lượng tốt. Theo đó, chúng ta phải lựa chọn những sản phẩm ưu tiên để phát triển và xây dựng thương hiệu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do nói riêng, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không phải chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức đến từ sức ép cạnh tranh. Sức ép cạnh tranh là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi các Hiệp định tự do này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. 

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các Hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức từ quá trình thực thi.

Về phía doanh nghiệp tập phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, nông dân và các thành phần kinh tế tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực thông qua việc gia tăng mối liên kết, phát triển các hình thức hợp tác để tăng năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất quy mô lớn và bền vững.

Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc Công ty Nam Phú Hải (doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm sang thị trường Australia) cho biết, tham gia CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu. Với những doanh  nghiệp nuôi tôm đây là cơ hội lớn, tuy nhiên để tận dụng được lợi thế xuất khẩu doanh nghiệp rất cần về thông tin thị trường, quy trình và chất lượng của sản phẩm.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, tham gia các Hiệp định thương mại tự do Hội Nông dân các cấp nói riêng và nông dân nói chung được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng đạt chuẩn quốc tế. 

Vì vậy, phải nhận diện rõ thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức để vượt qua thách thức, đảm bảo lợi ích cho nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.

“Sắp tới Trung ương hội sẽ tập trung triển khai tổ chức tập huấn lại toàn bộ cán bộ hội nông dân các cấp, nhất là giám đốc các hợp tác xã và các chủ hộ nông dân với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó chú trọng tập huấn theo phương pháp thực hành và quy trình sinh trưởng của cây, con chứ không tập huấn theo hình thức tham quan thực tế như trước đây”, ông Sùng cho biết.

Hiện, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các Hiệp định Thương mại tự do. 

Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP…

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.