Giá USD tại ngân hàng lại tăng

Thứ Bảy, 07/07/2018, 08:22
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 6-7, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng lại tăng, dù tỷ giá trung tâm không thay đổi.

Tỷ giá trung tâm ngày 6-7 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.638 đồng, không đổi so với mức công bố sáng 5-7. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.317 đồng và tỷ giá sàn là 21.959 đồng. 

Thế nhưng, giá USD tại các ngân hàng thương mại sau một ngày có dấu hiệu giảm nhiệt lại tiếp tục được điều chỉnh tăng trong sáng nay. 

Cụ thể, Ngân hàng Vietcombank niêm yết giao dịch USD ở mức 23.005-23.075 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 10 đồng ở mỗi chiều mua vào, bán ra so với chốt phiên ngày 5-7. 

Rủi ro giảm giá mạnh VND được cho là không quá lớn.

Ngân hàng Vietinbank niêm yết giao dịch USD ở mức 23.008-23.078 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 8 đồng ở cả hai chiều mua vào, bán ra, Ngân hàng Đông Á niêm yết giao dịch USD ở mức 23.010-23.080 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 10 đồng. 

Techcombank niêm yết giao dịch USD ở mức 23.000-23.090 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 10 đồng ở chiều mua vào và tăng 20 đồng ở chiều bán ra; Eximbank niêm yết giao dịch USD ở mức 23.000-23.090 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 10 đồng ở chiều mua vào, chiều bán ra. 

Ngân hàng BIDV giao dịch USD ở mức 23.005-23.075 đồng/USD (mua vào – bán ra), điều chỉnh tăng 5 đồng. Trên thị trường tự do, giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào là 23.135 đồng/USD và bán ra ở mức 23.150 đồng/USD, tăng 10 đồng.

Như vậy, sau vài phiên hạ nhiệt nhờ các động thái can thiệp của NHNN, tỷ giá USD lại có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, các phân tích đều cho rằng không khó để nhận thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại dòng vốn nước ngoài có thể đảo chiều sau khi Fed tăng tiếp lãi suất và dự báo có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Tâm lý đó ngày càng lớn khi nhiều đồng tiền trong khu vực cũng rớt giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới. 

Trong báo cáo phân tích thị trường của mình, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng sức ép giảm giá của đồng Việt Nam chủ yếu xuất phát từ nhân tố khách quan là biến động giảm giá mạnh của các đồng tiền khác trong khu vực so với USD như: đồng Bath của Thái Lan (-3%), Rupiah của Indonesia (-7%), Peso của Philippines (-7,3%), Rupee của Ấn Độ (-8%), Won của Hàn Quốc (-5,6%) và đặc biệt là Trung Quốc (-3,2%)... 

BVSC nhận định, NHNN đã bám sát diễn biến trên thị trường thế giới và xác định nguyên nhân biến động tỷ giá từ bên ngoài chứ không phải nội tại. Bởi các chỉ số tăng trưởng GDP, lạm phát, cán cân xuất nhập khẩu… trong nửa đầu năm nay của Việt Nam đang tích cực, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Từ phía cơ quan điều hành, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra mới đây đã cho biết đến cuối tháng 6, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt.

6 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào khoảng trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên khoảng trên 63,5 tỷ USD, qua đó, khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam giúp cho thị trường ngoại tệ và tỷ giá giữ vững sự ổn định. 

Dự trữ ngoại tệ tăng cao chẳng những tăng cường khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài, tăng khả năng can thiệp thị trường, mà còn giúp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. 6 tháng đầu năm, cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế không có gì đột biến. 

Thậm chí nguồn cung ngoại tệ còn khá dồi dào do cán cân thương mại thặng dư tới 2,71 tỷ USD; trong khi giải ngân vốn FDI tăng mạnh, đạt 8,34 tỷ USD; rồi còn nguồn giải ngân vốn ODA, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nguồn thu từ du lịch... 

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định diễn biến tỷ giá nằm trong kế hoạch và chủ yếu từ tác động của việc tăng giá USD trên thị trường quốc tế, diễn biến xuất nhập khẩu. 

NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt và cam đoan hoàn toàn có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, đảm bảo kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhận định mức giảm giá của tiền đồng, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nhu cầu ngoại tệ tăng nhưng không quá nhiều, nếu diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dịu xuống trong những tháng cuối năm nay, đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế thì tỷ giá VND/USD sẽ tự giảm dần, cùng với lượng dự trữ ngoại hối trên 63,5 tỷ USD sẽ đệm đỡ cho những cú sốc bên ngoài. 

BVSC cho rằng rủi ro giảm giá mạnh VND trong năm 2018 không lớn, tuy nhiên, theo BVSC, cần hạn chế tâm lý thị trường để hạn chế đầu cơ bình ổn thị trường ngoại tệ.

Lệ Thúy
.
.
.