Giá USD đang tăng trở lại

Thứ Tư, 25/07/2018, 07:25
Sau gần 20 ngày “lặng sóng”, thị trường ngoại hối ghi nhận tỷ giá đồng bạc xanh có dấu hiệu tăng trong vài phiên gần đây. Nguyên nhân được cho là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái dừng can thiệp thị trường.


Sáng 24-7, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 22.654 đồng, tăng 10 đồng so với phiên trước đó. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 23.334 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.974 đồng/USD. Khảo sát 10 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn, phần lớn các ngân hàng đều tiếp tục nâng giá USD thêm 10-50 đồng mỗi chiều mua - bán.

Hiện giá mua thấp nhất đang ở mức 23.170 đồng/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.220 đồng/USD. Trong khi đó, ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 23.285 đồng/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.310 đồng/USD.

Phiên liền trước, ngày 23-7, NHNN đã điều chỉnh tăng mạnh giá bán USD sau 20 ngày duy trì giá bán USD thấp. Ngay sau động thái này của NHNN, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng giá bán USD, với mức tăng từ 130-180 đồng/USD. Như vậy, sau 3 tuần bán USD ở mức giá thấp để ổn định thị trường, việc NHNN nâng giá bán USD trở lại là thông điệp cho thấy NHNN đã quyết định đưa giá USD trở lại quỹ đạo cũ theo quy luật cung cầu của thị trường. Các thành viên tham gia thị trường đã không được mua USD với giá rẻ như trong 3 tuần qua.

NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 3-7, NHNN đã chính thức có động thái can thiệp tỷ giá VND/USD khi giảm mạnh mức giá bán USD ra thị trường về 23.050 đồng, giảm 1%. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, sau khi NHNN niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 VND/USD, tỷ giá trên thị trường diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu quanh mức 23.040-23.050 VND/USD.

NHNN đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Còn lý giải về việc dừng can thiệp thị trường bằng cách nâng mạnh giá bán đồng USD ngày 23-7, ông Hà cho biết, trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp ngoại tệ của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của tổ chức tín dụng tốt hơn.

Do đó, ngày 23-7, NHNN niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 VND/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý.

Trao đổi thêm về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, ông Hà cho biết, NHNN vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ từ đầu năm là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong điều hành, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu trên, trong đó tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, phối hợp với các công cụ khác và sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Rõ ràng với một thị trường nhạy cảm như tỷ giá, mọi động thái của cơ quan quản lý luôn có tác động tức thì và nó có tác động trực tiếp tới hoạt động của chính doanh nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), sức ép lên tỷ giá đến chủ yếu từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong.

Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Việc FED tăng lãi suất lần thứ hai trong quý II cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất đẩy đồng USD tăng giá và nhiều đồng nội tệ mất giá.

Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá rủi ro giảm giá mạnh VND trong 6 tháng cuối năm không lớn, bởi ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và quản trị các cú sốc. Ưu tiên này thậm chí còn cao hơn cả mục tiêu hỗ trợ cho hàng xuất khẩu.

Thêm vào đó, rủi ro lạm phát đang tăng lên khá cao, nếu giảm giá mạnh VND sẽ càng khiến lạm phát tăng mạnh. Trên thị trường thế giới, đồng CNY nhiều khả năng khó giảm giá sâu thêm, do đó sức ép giảm giá VND sẽ sớm được giải tỏa. Về tổng thể, BVSC dự đoán tỷ giá sẽ được ưu tiên giữ ổn định từ giờ cho tới cuối năm.Mức mất giá nhiều nhất có thể chỉ 3%, còn trong kịch bản trung bình chỉ quanh mức 2%.

H.A
.
.
.