EVFTA: Tạo cú hích cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU
- Thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản
- Năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 2 triệu tấn
- Xuất khẩu thủy sản năm 2018 dự kiến đạt 8,8 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22% sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về mức 0% sau từ 3 đến 7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Cụ thể, sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, có một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến… Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...
EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt là các mặt nông, thủy sản. (Ảnh minh họa: Internet) |
EU đã và đang là thị trường XK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng XK của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 -35%.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết tháng 5-2019, XK thủy sản của cả nước đạt 3,19 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo kim ngạch XK thủy sản nửa đầu năm nay sẽ đạt khoảng 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Do tác động của “thẻ vàng” IUU, 5 tháng đầu năm, XK thủy sản sang EU giảm 11%; XK sang Trung Quốc và Hồng Kông giảm 5% vì nước này siết chặt kiểm soát nhập khẩu về chất lượng cũng như hoạt động thương mại mậu biên; XK sang Hàn Quốc giảm 2%.
Tuy nhiên, XK sang Nhật Bản vẫn tăng khả quan 11%, đưa nước này lên vị trí thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất; XK sang Mỹ tăng 3,4% và các thị trường khác cũng tăng.
Trong nhóm hàng thủy sản thì kim ngạch xuất khẩu cá tra, 1 trong 2 mặt hàng chủ lực trong nhóm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh khi EVFTA có hiệu lực.
Theo VASEP, tháng 5-2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU tiếp tục tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 5-2019, tổng giá trị XK cá tra, basa sang thị trường này đạt 118,7 triệu USD, tăng 29,8%, chiếm 15% tổng XK cá tra. Riêng XK sang hai nước Anh và Đức tiếp tục tăng trưởng khả quan mức từ hai đến ba con số so với cùng kỳ năm 2018.
Theo dự báo của VASEP, 6 tháng cuối năm, XK thủy sản sang EU có thể khả quan hơn sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, thẻ vàng IUU vẫn là mối quan ngại, tác động giảm XK hải sản sang thị trường các nước EU. XK sang thị trường Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn, nhất là với mặt hàng tôm.
Thị trường Trung Quốc sẽ không có dấu hiệu tích cực hơn, ít nhất là trong nửa cuối năm, do vậy XK sang thị trường này dự kiến sẽ vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo XK thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ hồi phục với mức tăng trưởng khoảng 5%, đạt trên 5 tỷ USD, đưa tổng XK cả năm lên khoảng 9 tỷ USD, tăng 2% so với năm 2018.
Theo Bộ Công Thương, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Trong thời gian tới, sau khi EVFTA có hiệu lực, cá tra cũng giống như sản phẩm thủy sản khác cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức và đòi hỏi cao hơn từ phía khách hàng như: Cam kết về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp..., hoặc việc tăng chi phí sản xuất, các quy định về lao động và môi trường có thể bị nâng lên. Đây là những vấn đề các doanh nghiệp XK cá tra, basa Việt Nam cần nắm bắt để có những chủ động chuẩn bị cho hoạt động XK trong thời gian tới.
Đồng thời, VASEP cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp XK cá tra, basa Việt Nam cần nắm bắt lợi thế này để gia tăng hoạt động XK trong thời gian tới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý về khả năng tăng hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sẽ có thể ngặt nghèo hơn nữa. Vấn đề hiện nay đối với cá tra Việt Nam tại thị trường EU chính là làm sao tăng được hình ảnh đẹp về cả chất lượng và giá cả đối với người tiêu dùng và khách hàng.