EVFTA – "đòn bẩy" giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19

Thứ Hai, 24/08/2020, 20:30
Việc ký kết EVFTA trong giai đoạn này một lần nữa giúp Việt Nam mở ra thêm nhiều cơ hội, thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. 


Đây là nhận định của ông David M. Jackson - Tổng Giám đốc Colliers International tại Việt Nam đưa ra ngày 24-8. Theo đó, ông David M.Jackson chỉ rõ, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 8,71 tỷ USD (năm 2018), EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy việc ký kết EVFTA trong giai đoạn này một lần nữa giúp Việt Nam mở ra thêm nhiều cơ hội, thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

"Bên cạnh nỗ lực dập dịch đang được Chính phủ và người dân thực hiện nghiêm túc, Chính phủ cũng đang xem xét các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng từ COVID-19, cũng như sửa đổi luật đất đai, rút ngắn các thủ tục để giúp giao dịch bất động sản diễn ra nhanh chóng hơn, từ đó có thể giúp cho thị trường có khả năng hồi phục nhanh hơn và nền kinh tế sẽ lấy lại đà tăng trưởng trước đó trong 3 tháng cuối năm của 2020", Tổng Giám đốc Colliers International tại Việt Nam nhận xét.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao Công hàm thông báo phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA cho Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, một nghiên cứu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tiến hành trước khi diễn ra dịch COVID-19 cho thấy EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ Đầu tư của Việt Nam) sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và thúc đẩy xuất khẩu sang EU thêm 42,7% vào năm 2025.

Trong số 28 quốc gia thành viên EU có hoạt động đầu tư tại Việt Nạm, Hà Lan luôn dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư. Cụ thể, hết năm 2019, Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam (tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư). Dự kiến, trong 5 năm tới, khoảng 200 doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh. 
Thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giảm 99% thuế quan đối với tất cả các mặt hàng, trong đó, một số mặt hàng sẽ giảm thuế theo thời gian, lộ trình cụ thể và một số sẽ bị giới hạn về hạn ngạch.

Theo sát Hà Lan là Pháp, Anh và Đức. Do ảnh hưởng của COVID-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên theo nhận định từ các chuyên gia, dòng vốn FDI từ Pháp vào Việt Nam sẽ sớm gia tăng khi EVFTA có hiệu lực, với nhiều cam kết đã đạt được tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại.

Khảo sát AHK World Business Outlook 2020 bình luận, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 14 tỷ Euro năm 2020, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng nhất nhì trong khối các nước Đông Nam Á của Đức và cũng là quốc gia thu hút được sự quan tâm cao của các nhà đầu tư Đức, với hơn 350 dự án FDI tại Việt Nam.

Ông David M. Jackson nhấn mạnh: “Thời điểm này mọi nỗ lực dập dịch được triển khai và thực hiện một cách nghiêm ngặt. Chính phủ cũng đang cân nhắc các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân giúp phần nào giảm bớt sự ảnh hưởng của dịch bệnh... Vì vậy có thể nói hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là một đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay về mức tăng trưởng như hiện tại và thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư chất lượng tới từ Châu Âu trong giai đoạn trung và dài hạn”.



H.Chi
.
.
.