Du lịch tàu biển: Còn nhiều tiềm năng cần phát huy

Thứ Ba, 25/12/2018, 08:38
Các thành phố lớn ven biển, phong cảnh đẹp, lịch sử, đa dạng về văn hóa, ẩm thực, hệ thống các di sản thế giới... Đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch tàu biển, nhưng thực tế, thế mạnh này chưa hẳn được phát huy xứng tầm.

Việt Nam có hơn 3.200km đường bờ biển, nhiều bãi biển đẹp, hấp dẫn, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nhiều vịnh biển được bạn bè quốc tế bình chọn là vịnh biển đẹp nhất thế giới như Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô... có thể cung ứng các hoạt động nghỉ dưỡng biển hấp dẫn.

Các thành phố lớn, ven biển, phong cảnh đẹp, lịch sử, đa dạng về văn hóa, ẩm thực, hệ thống các di sản thế giới... Đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch tàu biển, nhưng thực tế, thế mạnh này chưa hẳn được phát huy xứng tầm.

Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của nhiều tàu biển du lịch cao cấp.

Theo Tổng cục Du lịch, hiện nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến quen thuộc trong hành trình du lịch của các du thuyền quốc tế. Việt Nam đứng thứ 4 về số lượng tàu cập cảng trong khu vực. Tuy nhiên, nếu xét về mặt tài nguyên và so sánh với tăng trưởng khách quốc tế nói chung của Việt Nam và nếu so với trình độ chung của khu vực thì du lịch tàu biển Việt Nam chưa thực sự phát triển có tính đột phá.

Trung bình mỗi năm, Việt Nam đón dưới 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với  gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2-3% tổng lượng khách quốc tế. Đây là một tỉ lệ rất nhỏ trong cơ cấu tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của khách tàu biển Việt Nam so với khách du lịch đi bằng đường không và tổng lượng khách quốc tế  đến Việt Nam còn rất thấp, thậm chí một số năm còn sụt giảm.

Khách tàu biển lưu tại Việt Nam trong khoảng thời gian rất ngắn, trung bình chỉ từ 8h đến 24h. Chi tiêu của khách du lịch tàu biển còn rất thấp. Thông thường khách chi tiêu khoảng dưới 100 USD/lần cập cảng…

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay, hoạt động du lịch tàu biển ở Quảng Ninh đã được hình thành từ những năm 1998, qua nhiều năm phát triển, loại hình du lịch này dã phát triển mạnh, điểm đến Hạ Long đã được các hãng tàu biển lớn trên thế giới đánh giá cao. Công tác tổ chức đón khách đang tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Hệ thống cảng biển phục vụ hoạt động đón khách tàu biển đang được chú trọng đầu tư. Nhưng khách du lịch tàu biển đa quốc tịch, chưa đủ hướng dẫn viên theo yêu cầu nên phải sử dụng nhân sự thông dịch, không có thẻ hướng dẫn viên. Vẫn thiếu điểm đón, tập kết khách trên bờ đủ các điều kiện để phục vụ khách du lịch, một số điểm tham quan có hạ tầng cơ sở vật chất chưa đảm bảo yêu cầu phục vụ khách, có những thời điểm thiếu tàu du lịch địa phương để vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long.

Thủ tục cấp lệnh cho tàu đón khách tàu biển quốc tế phức tạp. Hiện nay, khi một tàu du lịch địa phương đi từ Cảng Tuần Châu ra Cảng nổi Hòn Gai đón khách, đưa đi thăm quan vịnh Hạ Long theo lộ trình có thăm hang và sau khi thăm vịnh khách lên bờ sẽ phải làm trung bình 5 lệnh, mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lịch trình tham quan của khách du lịch.

Quy định quản lý nhà nước về luồng, tuyến tham quan cho tàu địa phương đi thăm vịnh từ Cảng nổi Hòn Gai chỉ được đi thăm 1 tuyến; tàu từ cảng Vinashin chỉ được đi thăm quan tuyến 4. Trong khi thực tế phát sinh nhiều nhu cầu của khách, chủ yếu là muốn đi tuyến 4 kết hợp với tuyến 2, thăm Vịnh có kết hợp lên hang hoặc muốn từ Cảng Vinashin đi tuyến 1. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa hấp dẫn nên thời gian lưu trú của khách còn thấp, trung bình là 1,5 ngày.

Thông tin từ Sở Du lịch Thừa  Thiên - Huế cũng cho thấy, mặc dù khách tàu biển tăng, nhưng lượng khách lên TP Huế tham quan, sử dụng các dịch vụ không nhiều. Theo thống kê mới đây từ Công ty cổ phần cảng Chân Mây, lượng du khách lên Huế tham quan chỉ vào khoảng 30% và đa số là khách châu Âu, châu Mỹ loại du khách chuộng tìm hiểu, khám phá văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lý do là có sự chuyển dịch của dòng du khách.

Nếu như trước đây khách du lịch tàu biển chủ yếu là khách Âu, Mỹ, chọn Huế hoặc Hội An bởi họ thích văn hóa còn gần đây, dòng khách tăng mạnh là từ thị trường Trung Quốc. Do có tương đồng về văn hóa, khách Trung Quốc thích những nơi nhộn nhịp, thích tham gia các nơi giải trí nhộn nhịp và mua sắm tại Đà Nẵng và Huế không có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của dòng khách này.

Khẳng định cảng Đà Nẵng đang trở thành một điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch khu vực cũng như thế giới nhưng Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cũng nhận định, thành phố Đà Nẵng vẫn còn thiếu những cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi - giải trí quy mô lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, siêu thị miễn thuế…

Hiện tại chưa có nhà ga riêng phục vụ cho tàu du lịch tại cảng và các dịch vụ gia tăng tiện ích tại cảng vẫn còn thiếu, như bán hàng lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật...

Để phát triển du lịch tàu biển, đại diện nhiều cơ quan quản lý và các đơn vị lữ hành đều nhận định, khách du lịch tàu biển là đối tượng khách có khả năng chi trả cao, họ cần nhiều dịch vụ du lịch cao cấp và các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ. Bên cạnh khai thác yếu tố văn hóa địa phương, cần có chiến lược phát triển du lịch biển lâu dài, xây dựng cảng tàu biển chuyên biệt đón khách, thu hút đầu tư xây dựng bến du thuyền đẳng cấp quốc tế…

Tuy nhiên, trao đổi về chính sách phát triển hạ tầng cảng biển phục vụ đón tàu du lịch quốc tế mới đây, Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc thu hút đầu tư vào các bến cảng khách quốc tế rất khó khăn. Nguồn thu hoạt động tiếp nhận tàu khách quá thấp so với mặt bằng quốc tế.

Trong giai đoạn các bến cảng chuyên dùng cho tàu khách cỡ lớn chưa được đầu tư, việc giải quyết trước mắt cho các cảng hàng hóa tiếp nhận các tàu khách quốc tế phục vụ du lịch cũng không được các doanh nghiệp cảng hàng hóa hưởng ứng do ảnh hưởng đến hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại cảng… Như thế, “điểm nghẽn” về cảng biển sẽ khó được tháo gỡ trong tương lai gần.

N.Nguyễn
.
.
.