Du lịch Quảng Bình phát triển vượt bậc sau sự cố môi trường biển

Thứ Tư, 24/01/2018, 10:35
Khi sự cố môi trường biển 2016 xảy ra, nhiều chuyên gia trong ngành Du lịch cho rằng, phải mất nhiều năm sau, du lịch Quảng Bình mới có thể khởi sắc trở lại.

Nhưng chỉ sau 1 năm khi sự cố môi trường biển đi qua, du lịch Quảng Bình đã phát triển vượt bậc. Nhiều cách làm mới, lạ đã làm cho Quảng Bình trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch. Và du lịch đã góp phần quan trọng giúp người dân vùng cát đổi đời.

Bắt gà phải đẻ “trứng vàng”

Trong những năm chiến tranh, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Chính vì vậy mảnh đất chứa đựng mưa bom, túi đạn này ra khỏi chiến tranh là một vùng quê hoang tàn đổ nát. Người dân Quảng Bình nắm chặt tay nhau gượng dậy phát triển kinh tế, nhưng cái đói cái nghèo vẫn bám giữ lấy mỗi làng quê.

Nhưng rồi, khoảng mươi năm trở lại đây, lãnh đạo địa phương xác định chỉ có phát triển du lịch mới thay đổi được cuộc sống người dân. Và Quảng Bình chọn du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Từ đó, tiềm năng du lịch được đánh thức, và “ngành công nghiệp không khói” đã giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Cú hích du lịch ở Quảng Bình đầu tiên phải kể đến là khi Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Tiếp đó, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong nước lần lượt công bố nhiều hang động làm chấn động thế giới như hang Sơn Đoòng, hang Tiên Sơn, Thiên Đường, hang Én, hang Va… 

“Vương quốc hang động” ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã và đang thực sự gây nên cơn sốt du lịch ở Quảng Bình, đến nỗi trong các dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm vừa qua, Ban quản lý du lịch nơi đây đã phải khuyến cáo khách du lịch hạn chế đến nhiều điểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng. 

“Vương quốc hang động” ở Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành điểm đến lựa chọn của nhiều du khách quốc tế.

Khi Phong Nha - Kẻ Bàng “cất cánh” thì những bãi biển tuyệt đẹp ở Quảng Bình như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Hải Ninh, Đá Nhảy… cũng có cơ hội níu chân du khách. Sáng đi thám hiểm hang động, chiều về tắm biển, thưởng thức hải sản đã trở thành tour mà hầu như bất cứ du khách nào đến Quảng Bình cũng lựa chọn.

Và đây là những con số biết nói khi ngành Du lịch Quảng Bình mang lại trong năm 2017: Tổng số lượt khách đến với tỉnh Quảng Bình ước đạt 3,3 triệu lượt (vượt 10% so với chỉ tiêu kế hoạch), tăng 70,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 100.000 lượt, tăng gần 120% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt: 3.706,3 tỷ đồng, doanh thu chuyên ngành du lịch ước đạt 621,37 tỷ đồng.

Để đạt được những con số ấn tượng này, trong năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư về du lịch rất hiệu quả như: Lần đầu tiên Quảng Bình đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới (Miss Grand International 2017); tổ chức Lễ hội “Vương quốc hang động - kỳ vĩ và huyền thoại” có quy lớn mô nhất từ trước đến nay; tạo mọi điều kiện tốt nhất để đoàn làm phim Kong: Skull Island hoạt động, quảng bá hình ảnh Phong Nha - Kẻ Bàng; tổ chức chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”...

Những hoạt động xúc tiến có chiều sâu đã khiến cho du lịch Quảng Bình khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch. 

Trong năm 2017, website du lịch lớn nhất thế giới Tripadvisor cũng bình chọn Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn thứ 4 tại Việt Nam; Tạp chí du lịch uy tín hàng đầu thế giới Lonely Planet xếp hạng Phong Nha-Kẻ Bàng ở vị trí thứ 2 trong danh sách 15 điểm đến đáng trải nghiệm nhất Việt Nam năm 2017; Sơn Đoòng trở thành tâm điểm của du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch thế giới WTM London 2017...

Đi tìm giáo án cho bài toán phát triển du lịch bền vững

Dù thiên nhiên có ưu đãi đến đâu nhưng muốn nơi đó du lịch phát triển, thì yếu tố con người, cách thức làm du lịch vẫn mang tính quyết định. Thấy rõ tầm quan trọng yếu tố con người, nên những năm qua, Quảng Bình đã mời chào và gọi về được rất nhiều nhà đầu tư về du lịch có kiến thức, cách thức quản lý, phát triển về du lịch.

Dọc theo đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đường Trương Pháp dọc bờ biển, Quảng Bình đều dành đất để cấp cho các tổ chức, cá nhân xây dựng khách sạn, resort, nhà hàng… Tại khu vực “Vương quốc hang động” Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã và đang đầu tư hàng ngàn tỷ để phát triển du lịch.

Xung quanh vùng đệm vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 13 xã nằm tập trung chủ yếu ở các thung lũng và ven hai con sông Chày, sông Son.

Cách đây độ mươi năm, trên 90% số hộ sống dựa vào nông nghiệp để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ khi lượng khách du lịch đổ về Phong Nha - Kẻ Bàng, hàng ngàn hộ dân đã thay đổi cuộc sống để phát triển kinh tế bằng cách làm du lịch. Hàng ngàn hộ gia đình ở các xã vùng đệm hiện đang là những thuyền viên trong đội thuyền du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, hoặc là chụp ảnh du lịch, xây dựng nhà cửa đón khách… Cuộc sống của nhân dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Trong những năm trở lại đây, trước mỗi dịp lễ 30-4 và 1-5 ít ngày, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình lại cùng đội liên ngành như du lịch, văn hóa, quản lý thị trường, Công an khu vực… đến nhiều nhà hàng, khách sạn để kiểm tra các chủ kinh doanh thực hiện việc niêm yết giá công khai về thực phẩm, phòng ốc… chính điều này đã đẩy lùi được nạn “chặt chém” du khách trong mùa lễ hội.

Nhiều khi chỉ cần một buổi “vi hành” đi kiểm tra của lãnh đạo địa phương đã làm thay đổi nhận thức trong kinh doanh của nhiều người.

Không kinh doanh du lịch bằng mọi giá nên các dịp nghỉ lễ vừa qua, khi đông đảo du khách đổ về quá lớn, trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã phải khuyến cáo “Du khách cần cân nhắc khi đi du lịch Suối nước Mọoc - Hang Tối vào những ngày cao điểm. Đối với người địa phương, nếu có điều kiện thời gian vui lòng không đến Hang Tối - Suối nước Mọoc vào 2 ngày giữa của kỳ nghỉ lễ”.

Mời gọi các đoàn làm phim, các hãng truyền thông nổi tiếng quốc tế về Quảng Bình để trải nghiệm, qua đó quảng bá du lịch đang mang lại cho du lịch Quảng Bình nhiều lợi ích thiết thực. 

Sau một loạt những thước phim hoành tráng của bộ phim Kong: Skull Island, cơn sốt khách du lịch tìm đến vùng đất Quảng Bình đang sôi sục khắp thế giới. 

Hai địa điểm ở Quảng Bình được đoàn phim Kong: Skull Island lựa chọn ghi hình là hồ Yên Phú, xã Trung Hóa và hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đang là điểm lựa chọn tìm đến của nhiều du khách.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã khẳng định: “Việc đoàn làm phim lớn của Mỹ có mặt tại Quảng Bình gây hiệu ứng, tạo thành làn sóng du lịch. Du khách muốn tìm hiểu tại sao lại chọn cảnh quay như vậy. Đây là cơ hội lớn tỉnh đã chớp lấy để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Quảng Bình”.

Ngay sau khi đoàn làm phim rút đi, ngành Du lịch Quảng Bình bắt tay xây dựng một số sản phẩm du lịch liên quan đến hoạt động của bộ phim như: trường quay, các cảnh quan liên quan đến phim. Đồng thời, cơ sở vật chất như nơi lưu trú, nhà hàng và đội ngũ nhân lực… cũng đang được chuẩn bị để đón du khách.

Theo ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, để phát triển du lịch một cách bền vững, ngành du lịch tỉnh này đang có nhiều giải pháp như: phối hợp với Vụ Thị trường Tổng cục Du lịch đón tiếp đoàn các blogger nổi tiếng thế giới đến Quảng Bình để quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình lên mạng xã hội.

Liên kết du lịch trong việc quy hoạch, xây dựng những chương trình, tổ chức các sự kiện, trao đổi học tập kinh nghiệm, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của các cộng đồng dân cư, tuyên truyền, giới thiệu giá trị văn hóa địa phương. Xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ trên tuyến du lịch như các trạm thông tin cho khách dừng chân tham quan, nghỉ ngơi; tạo điều kiện để xúc tiến, quảng bá giới thiệu hình ảnh du lịch trên tuyến.

Quảng Bình xác định chiến lược phát triển du lịch bền vững đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020, Quảng Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á.

Dương Sông Lam
.
.
.