Doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác thị trường “nghìn tỷ đô”

Thứ Bảy, 20/07/2019, 07:25
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) trực tiếp đến tay người tiêu dùng (B2C) toàn cầu năm 2017 đạt 2.290 tỷ USD, năm 2018 đạt 2.774 tỷ USD (tăng 11,6% so với năm 2017), đến cuối năm 2019 ước đạt 3.305 tỷ USD (tăng 13,1% so với năm 2018). Nếu tiếp tục đà tăng trưởng, dự đoán đến năm 2021, doanh thu TMĐT B2C toàn cầu sẽ đạt trên 4.479 tỷ USD.

Nhận thấy kinh doanh qua TMĐT là xu hướng tất yếu, nhất là trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập công nghệ thông tin toàn cầu, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) với chức năng nhiệm vụ là hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong các hoạt động mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu và mời gọi đầu tư nước ngoài, đã làm “cầu nối” để các DN trong nước tiếp cận với các nền tảng TMĐT lớn nhất thế giới, bán hàng xuyên biên giới, tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng của nhiều quốc gia. 

Nhìn nhận về thị trường TMĐT, tại Hội thảo “Xu hướng xuất khẩu toàn cầu thông qua nền tảng Amazon” do ITPC tổ chức ngày 19-7 tại TP Hồ Chí Minh, ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc  ITPC cho biết, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, Internet và mạng máy tính bùng nổ.

Rất nhiều DN dự hội thảo do ITPC tổ chức sáng 19-7 để tìm hiểu thông tin, đưa hàng lên nền tảng TMĐT Amazon, qua đó tiếp cận với khách hàng quốc tế.

Các công nghệ như điện toán đám mây (I-clouds), Vạn vật kết nối (IOT), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) ngày càng phát triển dẫn đến sự bùng nổ thông tin mạng. Hiện TMĐT đã trở thành một phương thức giao dịch mới quen thuộc của các công ty thương mại lớn trên thế giới và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD. Báo cáo cũng dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015 – 2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).

Thị trường TMĐT Việt Nam đang ngày càng trở nên nhộn nhịp trong cuộc đua cạnh tranh của các sàn TMĐT lớn.  Với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên các trang web TMĐT kinh doanh lâu năm như Hotdeal.vn, muabannhanh.com,… cũng tăng cường mở rộng ngành hàng, dịch vụ giao – nhận, thanh toán. Theo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường quốc tế, bước sang năm 2019, doanh số TMĐT toàn cầu sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 3.453 tỷ USD.

Cùng với sự tăng trưởng của doanh số ngành TMĐT, người mua hàng online cũng ngày càng chịu chi hơn khi mua sắm. TMĐT thế giới dự đoán sẽ đi theo 3 xu hướng: Mua hàng trực tiếp qua mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong TMĐT và sử dụng các kênh bán hàng TMĐT như một kênh quảng cáo mới đầy hiệu quả trong thời đại công nghiệp 4.0.

Đối với DN, TMĐT giúp DN tăng khả năng mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp thị, giảm chi phí quản lý và thời gian xử lý giấy tờ, giúp cải thiện hệ thống phân phối của DN, tăng cường mối liên hệ với khách hàng dễ dàng hơn thông qua việc giao tiếp thuận tiện trên mạng Internet.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn DN trong nước vẫn quen với cách truyền thống là chỉ bán hàng tại showroom và thông qua kênh triển lãm giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm khách hàng. DN chưa mạnh dạn ứng dụng TMĐT vào hoạt động kinh doanh, đặc biệt xuất nhập khẩu.

Trước thực trạng đó, ITPC đã làm việc với đại diện những kênh TMĐT dẫn đầu thế giới như Alibaba, Amazon... để giúp DN có cơ hội học cách bán hàng thành công ra thị trường quốc tế, nhất là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Ông Hòa cho biết, DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay chiếm trên 98%. Các DN này có nguồn vốn và công nghệ còn hạn chế, do đó việc hỗ trợ đối tượng DN này là rất cần thiết, đặc biệt là hoạt động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Thông qua nền tảng Amazon, ITPC sẽ hỗ trợ các DN xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới, đồng thời giúp các DN xây dựng và phát triển thương hiệu ra phạm vi toàn cầu.

Tiếp cận được nền tảng Amazon, DN Việt Nam có thể tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu khách hàng Prime (khách hàng tiềm năng, mua sắm thường xuyên) tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng sẽ trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, có rất nhiều sản phẩm của DN Việt Nam bán rất thành công trên Amazon như: Cà phê, chổi đót, hàng may mặc, thớt bằng tre hoặc gỗ,... là những sản phẩm với nguyên liệu sẵn có của Việt Nam. Đợt này, trước mắt Amazon sẽ hỗ trợ 50 DN tiếp cận, bán hàng trên Amazon. Đó là các DN đã có thương hiệu, chất lượng sản phẩm tốt.

Trước đó, ITPC cũng đã kết nối cho DN trong nước tiếp cận với TMĐT Alibaba. Thông qua Alibaba, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình tới 260 triệu người mua hàng trên thế giới với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đại diện Alibaba cũng cho biết, những sản phẩm Việt mà khách hàng của Alibaba đang tìm kiếm gồm nông sản thô, cà phê, gạo, sản phẩm may mặc, bánh kẹo, đồ dùng ngoài trời... Vì vậy, DN cần nắm bắt cơ hội này để tiếp cận khách hàng quốc tế.

Theo đánh giá của đại diện Alibaba, Amazon, điểm yếu nhất của các DN Việt Nam là yếu về kỹ năng kinh doanh, thiết kế trưng bày sản phẩm trên website không chuyên nghiệp, không để lại ấn tượng tốt cho khách hàng từ cái nhìn đầu tiên. Tiếp đó là rào cản ngôn ngữ khiến DN Việt Nam rất khó khăn trong việc bán hàng.

Vì vậy, DN cần cải thiện những điểm yếu này để xây dựng thương hiệu, hình ảnh DN, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng TMĐT mở rộng kinh doanh xuyên biên giới.

“ITPC sẽ tiếp tục phối hợp với Alibaba và Amazon tổ chức thường xuyên các buổi tọa đàm, tập huấn về các ứng dụng TMĐT trong kinh doanh, marketing trực tuyến, các công cụ và kỹ năng khác để hỗ trợ các DN tiếp cận và quảng bá sản phẩm, tiến đến việc xuất khẩu toàn cầu thông qua kênh TMĐT”, ông Phạm Thiết Hòa chia sẻ thêm.

Thúy Hà
.
.
.