Doanh nghiệp Việt trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
- Việt Nam tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách thận trọng
- Việt Nam không nằm trong nhóm quốc gia sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.01
- Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc
Theo các chuyên gia, “làn sóng” công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra ở 3 lĩnh vực chính: Công nghệ sinh học, kỹ thuật số và quản lý. Các doanh nghiệp (DN) ý thức rằng, DN ứng dụng 4.0 trong sản xuất hay kinh doanh là xu thế của thế giới trong tương lai. Nhưng, hiện nay đa số DN chưa biết mình “đang đứng” ở đâu? Thậm chí, cũng chưa hiểu đó là gì, nên không biết phải bắt đầu từ đâu?
Với hơn 40 năm sản xuất và kinh doanh các ngành hàng: kem đánh răng, bột giặt, các sản phẩm tẩy rửa, nhưng khi nói đến công nghệ 4.0, ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng Giám đốc Công ty hóa mỹ phẩm quốc tế ICC nhìn nhận: “Công nghệ 4.0 thật sự khá mới mẻ, tôi cũng không biết hiện nay mình đang ở đâu trong cuộc cách mạng công nghệ này”.
Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. |
Theo ông Nhơn, trong 42 năm hoạt động, công ty liên tục đầu tư, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng công suất sản xuất, giảm lao động.
Trong năm 2018, công ty sẽ nhập một hệ thống thiết bị tự động hóa dây chuyền sản xuất bột giặt. Với hệ thống mới này, sản xuất 1 giờ sẽ đạt 7 tấn sản phẩm (hiện nay 5 tấn) và cần 5 lao động (thay vì hiện nay mất 15 lao động).
Về mặt quản lý, hiện công ty có đội ngũ nhân viên bán hàng gần 300 người trên toàn quốc, gần 2 năm nay công ty áp dụng các công nghệ mới như whatsapp, viber, zalo... để quản lý, nắm tình hình hoạt động kinh doanh.
“Như vậy, chúng tôi đang tự động hóa, hợp lý hóa sản xuất, nhưng không biết mình đang ở công nghệ số mấy?”, ông Nhơn băn khoăn.
Khởi nghiệp trong vài năm gần đây, Công ty cổ phần Color Life trưởng thành khá nhanh nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh ngay từ đầu.
Ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập Color Life, website Hoayeuthuong.com (chuyên ngành hoa), cho rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhắc nhiều trong thời gian gần đây gợi nhớ lại xu hướng của các DN hơn 10 năm trước, đó là cuộc vận động lớn các DN ứng dụng ERP, hay xây dựng hệ thống BI.
Hơn 10 năm qua, các DN ứng dụng ERP chủ yếu là DN lớn với chi phí đầu tư luôn vượt qua 10 con số (hơn 10 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ % DN thành công không nhiều. Tại Hoayeuthuong.com, hệ thống ERP cũng triển khai được 2 năm. Hiện, ERP đã đáp ứng được gần như 90% yêu cầu vận hành của DN như: Giúp kiểm soát được các hệ thống bán hàng, tài chính, tiếp thị, nhân sự, vận hành sản xuất.
Giúp quản lý được các quy trình, nghiệp vụ để tránh sai sót, vận dụng nguồn lực con người hiệu quả hơn, thông tin nhanh hơn để ra quyết định và tiết giảm các khâu trung gian.
Theo tôi, xây dựng một hệ thống 4.0 cho vận hành DN là rất khó. Nó khó hơn rất nhiều những gì bạn tưởng tượng, vì đơn giản bạn cũng chưa thể hiểu được nó là cái gì chứ chưa nói tới là chúng ta định làm gì và bắt đầu từ đâu.
Tuy nhiên, tại hoayeuthuong.com, chúng tôi ấn định rằng, nếu chúng tôi xây dựng thành công thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực trong tương lai. Việc bán hàng tốt hơn gấp nhiều lần so với trước đây và sớm bù lại hàng chục tỷ đồng chúng tôi đầu tư nên chúng tôi vẫn chọn 4.0 để làm.
“Cuối năm nay, chúng tôi sẽ khai trương Trung tâm sàn giao dịch hoa của Việt Nam theo công nghệ 4.0”, ông Dương chia sẻ.
Với những “bước đi” của Công ty cổ phần Color Life – website Hoayeuthuong.com để chuyển hóa lên 4.0, thì đầu tiên DN tập trung “chuyển đổi số”, tức là chuyển hóa tất cả các hoạt động trong DN qua máy tính hoạt động. Tiếp đến là giai đoạn “tự động hóa”.
Đây là quá trình xử lý tự động những quy trình đơn giản nhất trong hoạt động kinh doanh và vận hành, giúp DN tăng tốc các hoạt động, giảm chi phí quản lý cấp trung.
Sau khi “tự động hóa” thì sẽ “tri thức hóa” DN. Đây là bước khó, cần nhiều chuyên gia về công nghệ, chuyên gia về tri thức kết hợp với các cấp quản lý của công ty. Các quá trình này phải được hoàn thiện suốt trong quá trình DN tồn tại.
Trong khi phần lớn DN còn boăn khoăn trước cách mạng công nghiệp 4.0 thì một số DN cũng đã bắt kịp thông tin hội nhập từ rất sớm. Điển hình, Công ty cổ phần Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal. Đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và đầu tư cho sản xuất tăng gấp 5 lần hiện nay.
Ông Huỳnh Dũng Sáng, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Duhal cho biết, công ty xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Để chủ động nắm bắt, ứng dụng thành tựu công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng của công ty là tập trung vào 3 mũi nhọn tiên phong: Con người, thiết bị sản xuất tự động và sản phẩm thông minh.
Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thức 4”, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tận dụng những cơ hội, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, động lực thì đã có, nhưng đa số DN Việt Nam là vừa và nhỏ nên vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trước mắt.