Để doanh nghiệp bán lẻ Việt thành công
Đó cũng chính là “chìa khóa” để các doanh nghiệp (DN) Việt mở cánh cửa thị trường trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là một trong ba thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia)...
Trước áp lực cạnh tranh của các nhà bán lẻ ngoại tại thị trường nội địa, các DN bán lẻ trong nước tìm cách chiếm lĩnh thị trường bằng nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, đặc biệt mô hình kinh doanh theo chuỗi đang phát triển rất mạnh mẽ. Định hướng thị trường bán lẻ hiện đại, Tập đoàn VinGroup đã “phủ sóng” với nhiều phân khúc, từ việc đầu tư chuỗi các trung tâm thương mại (TTTM) Vincom, đến mở rộng hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ tại các thành phố lớn.
Riêng thị phần cửa hàng tiện lợi, theo thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Asia Plus thì hệ thống VinMart+ của Vingroup hiện đang dẫn đầu về số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, với hơn 800 cửa hàng.
Theo đánh giá của bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, loại hình kinh doanh theo chuỗi tại Việt Nam có mức tăng trưởng từ 20 – 30%/năm. Các mô hình kinh doanh theo chuỗi phổ biến như chuỗi bán lẻ điện máy, di động, thời trang giày dép, túi xách, sản phẩm mẹ và bé, ẩm thực... các mô hình kinh doanh theo chuỗi này đã dần gắn với những thương hiệu bán lẻ lớn như Vinmart+, thegioididong, FPT shop... Đây cũng là hướng đi của các nhà bán lẻ nhằm gia tăng sự nhận biết thương hiệu, khả năng cạnh tranh, lợi nhuận và giảm rủi ro trong kinh doanh…
Là DN Việt trong lĩnh vực bán lẻ, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op (SGC) cho rằng, xu hướng tích hợp bán lẻ trực tuyến và trực tiếp đang phát triển mạnh ở Việt Nam, phù hợp với việc thị trường trong nước đang trên đà phát triển mạnh, song song với tốc độ áp dụng công nghệ toàn diện. Việc kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và mua sắm trực tiếp chính là giải pháp hiệu quả nhất cho thị trường bán lẻ Việt Nam ở thời điểm này và ít nhất 3 năm tới.
Xu hướng bán lẻ trên thị trường hiện nay là kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và online, cùng với công nghệ hiện đại. |
Bởi trên thực tế dù thống kê cho thấy số lượng mua sắm online có tăng nhưng người tiêu dùng (NTD) Việt Nam vẫn có thói quen đến tận nơi để trực tiếp nhìn thấy sản phẩm mới quyết định mua. Đó là chưa kể khi đi mua sắm trực tiếp tại siêu thị, cửa hàng, hầu hết khách hàng đều mua nhiều hơn dự định ban đầu. Đây là cơ hội lớn mà hầu hết các nhà bán lẻ đều tận dụng để bán được nhiều hàng.
Bà Trần Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc kinh doanh & marketing Vincom Retail cũng thông tin: “Chúng tôi có bộ phận khảo sát, phân tích dữ liệu để nắm bắt kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đồng thời bộ phận nghiên cứu đánh giá, linh hoạt cơ cấu các ngành hàng ở mỗi TTTM. Tùy vào nhu cầu khách hàng, một số TTTM dành nhiều diện tích cho dịch vụ ăn uống, giải trí và có những trung tâm ưu tiên thời trang, mỹ phẩm... Trong năm 2018 các TTTM Vincom đã đón hơn 160 triệu lượt khách, mục tiêu trong 2019 sẽ là 220 triệu khách. Năm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác và khách thuê tổ chức khoảng 3.000 sự kiện trên toàn hệ thống để thu hút khách hàng và hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các nhãn hàng”.
Phân tích về xu hướng thị trường bán lẻ, các chuyên gia cho rằng, ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ điện tử ngày càng mờ nhạt đi và xu hướng hai kênh bán hàng này sẽ tích hợp nhau. Kể cả các thương hiệu lớn là những nhà bán lẻ trực tuyến như Amazone, Alibaba, Habitat cũng mở chuỗi cửa hàng bán lẻ trực tiếp chứ không chỉ dừng lại ở bán hàng trực tuyến.
Thực tế cho thấy, khách hàng hiện nay không chỉ đơn thuần bấm chuột và mua hàng mà họ cần có sự trải nghiệm trong không gian mua sắm. Như một số thương hiệu Tony Burch, Tiffany, Prada, Louis Vuitton… cũng đều mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm mới và có robot giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng. Thống kê cho thấy, có đến 80% doanh thu ngành bán lẻ đến từ các cửa hàng, tương tác trực tiếp với NTD. Vì vậy, các cửa hàng trong các TTTM sẽ là nơi để những thương hiệu đầu tư công nghệ, trải nghiệm khách hàng và thu thập dữ liệu thị hiếu tiêu dùng.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, để ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam có một tương lai tươi sáng, bên cạnh sự sáng tạo, áp dụng công nghệ, các nhà bán lẻ cần tập trung nghiên cứu để biết hành vi mua sắm của NTD, để nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài Chính, nhận định: Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, nhà bán lẻ muốn thắng phải nhìn về phía trước, căn cứ vào nhu cầu, cung cấp cái NTD cần chứ không phải bán cái mình có. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng 4.0, nhà bán lẻ cần phải dùng công nghệ để kết nối NTD mua sắm. Các nhà làm chính sách cũng cần tạo chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh hiện đại phát triển, dựa trên nền tảng công nghệ.