Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch ra thị trường thế giới
- Rộng cửa cho nông sản Việt Nam vào thị trường EU
- Nông sản Việt Nam đã chinh phục các thị trường “khó tính”
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, các mặt hàng nông sản chủ lực có sức cạnh tranh kém khi chỉ có 5% đạt tiêu chuẩn quốc tế, ít có thương hiệu trên thị trường và tỷ lệ các sản phẩm qua chế biến còn rất thấp. Vậy, để nông sản xuất khẩu chính ngạch, phát triển bền vững là vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới...
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết: Tháng 8-2018, khảo sát 70 hợp tác xã (HTX) và các hộ nông dân sản xuất tiên tiến của tỉnh Đồng Tháp thì chỉ có 18% có chứng nhận Việt GAP, 90% có nghe tới ViệtGAP nhưng chưa có ý định làm tiêu chuẩn Việt GAP. Điều đó cho thấy, nông dân vẫn chưa coi trọng tiêu chuẩn chất lượng.
Trong khi đó, các tiêu chuẩn chất lượng đang là yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước trên thế giới. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu phải có giấy chứng nhận quốc tế về An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nông sản Việt Nam đa dạng nhưng chưa tạo thương hiệu mạnh. |
Hiện nay, chứng nhận GlobalGAP được xem là giấy thông hành tốt để đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối trên thế giới. Vì các nhà bán lẻ rất quan tâm về các điều kiện ATVSTP và truy xuất nguồn gốc. Để đạt tiêu chuẩn và các điều kiện được cấp chứng nhận Global GAP thì tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất về vấn đề này, Hội DNHVNCLC đã cùng Tổ chức GlobalGAP xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP, đây là bước đệm để đưa nông sản vào thị trường thế giới với chi phí thấp hơn. Sau bước đệm này, các nhà sản xuất sẽ có thời gian, điều kiện để từng bước tiến tới chứng nhận GlobalGAP.
Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh: Trách nhiệm của các nhà bán lẻ rất quan trọng và họ buộc chúng ta phải có chứng nhận GlobalGAP. Nhưng khi chưa có chứng nhận này, thì mình ứng trước tiêu chuẩn LocalGAP họ cũng chấp nhận.
Nguyên nhân: Quản lý tiêu chuẩn ATTP của các nước dựa trên hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, hệ thống luật pháp, để kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn và trách nhiệm của hệ thống bán lẻ. Từ trách nhiệm này, các nhà bán lẻ khắp thế giới phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng thực phẩm mà mình phân phối, chấp nhận nhập hàng hay không, trở thành quyền lực của các nhà bán lẻ. GlalbalGAP là một tổ chức đang chi phối thị trường xuất khẩu thực phẩm và nông sản của thế giới. Và đó cũng là lý do tại sao ta phải quan tâm tới tiêu chuẩn LocalGAP, nếu chúng ta muốn xuất khẩu nông sản, thực phẩm ra thế giới.
Ông Lê Đặng Trung – Đại diện Công ty Real-time Analytics cho rằng, muốn làm truy xuất nguồn gốc, muốn làm các tiêu chuẩn cho nông sản thì là cần phải ghi chép nhật ký trong sản xuất. Nếu như trước đây, người nông dân quen ghi nhật ký sản xuất bằng giấy, viết tay, thì nay cần phải thay đổi bằng cách sử dụng nhật ký điện tử, áp dụng app trên smartphone.
Bởi, sử dụng nhật ký điện tử người sản xuất có nhiều thuận lợi hơn như: Không cần ghi, không cần gõ, chỉ chạm trên biểu tượng để nhập thông tin và không sợ phải sót thông tin; sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết, người không biết đọc viết vẫn có thực hiện được. Đặc biệt, nhật ký sản xuất điện tử ghi nhận được nhiều thông tin, qua đó mang nhiều giá trị lợi nhuận hơn...
Dẫn chứng một mô hình phát triển bền vững hiện đang được thực hiện tại Việt Nam, ông Phạm Ngọc Minh Quân, tư vấn viên địa phương của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: JICA hợp tác nhiều lĩnh vực, riêng dự án ông Quân tham gia, trong đó có một phần là phát triển kinh tế bền vững cho nông dân. Đó là mô hình hỗ trợ kỹ thuật và phương thức sản xuất nấm hương (hay còn gọi là nấm đông cô) cho nông dân ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, triển khai giữa năm 2018.
Đến nay, so với một số loại rau quả hay cây cà phê, thì mô hình trồng nấm hương mang lại thu nhập cho người nông dân cao hơn, nhưng phương thức sản xuất lại rất đơn giản người già, trẻ em, đều làm được. Mô hình trồng nấm này không phụ thuộc vào khí hậu, tránh được dịch bệnh; sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ nên môi trường lao động của nông dân cũng rất an toàn, tốt cho sức khỏe của nông dân.
Theo phân tích của ông Quân, phát triển bền vững là bền vững ở tất cả các nhân tố tham gia chứ không tách rời một khâu, bộ phận nào: Nguyên vật liệu không sử dụng hóa chất; bao bì đóng gói phải thân thiện với môi trường; vận chuyển, bảo quản phải giảm thiểu chi phí gây ảnh hưởng môi trường, hạn chế lưu trữ, tồn kho...; có 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, được xem là “xương sống” để áp dụng vào dự án.
Đánh giá việc triển khai mô hình phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian qua, ông Quân khẳng định: Rất cần đội ngũ có thể duy trì việc kiểm tra, đồng hành cùng nông dân. Bởi khi áp dụng các tiêu chuẩn thì đó là thực hành chứ không phải trên giấy; việc nữa, đó là áp dụng công nghệ vào trong quản lý để mở rộng phạm vi liên kết với nông dân không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu; hình thành nhóm giám sát chéo nhau để cùng phát triển.
“Tôi nhận định, việc tập trung vào chất lượng và khâu tổ chức sản xuất chuyên nghiệp là rất quan trọng. Bởi vì sản phẩm nông sản của Việt Nam rất nhiều, nhưng sản phẩm chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì gần như luôn trong tình trạng thiếu hàng”, ông Quân nói.