Đầu tư, sản xuất khẩu trang quy mô lớn: Hãy thận trọng!

Thứ Hai, 13/04/2020, 08:07
Trong bối cảnh xuất khẩu dệt may đang gặp khó vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc linh hoạt chuyển hướng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải được nhận định là giải pháp khả thi giúp doanh nghiệp dệt may vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố.


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay nhu cầu khẩu trang trên thế giới vẫn tăng cao do dịch COVID-19. Việt Nam nằm trong những nước “top” đầu về xuất khẩu dệt may nên chuyển sang sản xuất khẩu trang sẽ tạo ra một thị trường sôi động. 

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhanh nhạy khi sản xuất được các loại khẩu trang sử dụng vải thông thường, vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là ngăn được tia UV hay khẩu trang phủ muối độc đáo...

Ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu khẩu trang vải/tháng.

“Việc cung ứng khẩu trang vải cho thế giới hoàn toàn nằm trong tầm tay của Việt Nam. Chính sự chuyển hướng, tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một “sân chơi” mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như đất nước. Bởi, khả năng sản xuất khẩu trang của doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, sau khi đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước thì có thể xuất khẩu. Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới”, ông Hải nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong tháng 4-2020, Tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp đã có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đặt mua 2 triệu khẩu trang vải.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất, xuất khẩu khẩu trang vải phụ thuộc vào các đơn hàng và nhu cầu về khẩu trang sẽ giảm dần khi dịch bệnh được kiểm soát. Hiện, dự báo nhu cầu khẩu trang có thể kéo dài đến hết năm 2020. Tuy nhiên, đơn hàng có thì doanh nghiệp mới có thể đầu tư sản xuất, trong khi sản xuất khẩu trang là mặt hàng mang tính thời vụ. Do vậy, khó khăn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp sản xuất khẩu, xuất khẩu khẩu trang vải và các đồ bảo hộ y tế là đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Từ góc độ quản lý, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, khi tính đến phương án sản xuất khẩu trang là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố, cụ thể như, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Ngoài ra, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần lưu ý, thị trường các nước phát triển thường đòi hỏi yêu cầu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.