Dấu hiệu tồn tại nhiều “trùm” buôn lậu đường với số lượng… “khủng”

Chủ Nhật, 10/11/2019, 06:08
Ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng.


Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, diện tích mía nguyên liệu ở nhiều địa phương đã giảm từ 30 - 60% so với các năm trước. Người dân đồng loạt bỏ trồng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Thời điểm này, có 4 nhà máy đường phải tạm ngừng hoạt động; 17 trên tổng số 30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu… 

Trong khi đó, đánh giá về tình hình buôn lậu và gian lận mặt hàng đường ăn, ông Trương Văn Ba, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - PV) cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam bộ để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Đường đi của các loại đường ăn nhập lậu cũng được Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ rõ là chủ yếu tập trung ở những tỉnh, thành trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước và Quảng Trị. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm này diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Kho đường lậu có số lượng “khủng” liên quan đến Công ty Thành Thành Phát BP bị lực lượng QLTT tỉnh Bình Dương và Cảnh sát kinh tế kiểm tra.

Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9 vừa qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý được hơn 876 vụ vi phạm nhưng chỉ thu giữ được hơn 3.000 tấn đường lậu. 

Theo dư luận từ ngành mía đường, đây là số lượng đường nhập lậu hết sức nhỏ so với thực tế. Trong khi đó, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa công bố đạt doanh thu 8.962 tỉ đồng, tương ứng với 850 ngàn tấn đường thành phẩm đã được DN này bán ra trong niên vụ sản xuất 2018-2019; con số này cao gấp gần 4 lần sản lượng đường do DN tự sản xuất (220 ngàn tấn). Niên vụ 2018-2019, ngành mía đường cả nước chỉ sản xuất là hơn 1,17 triệu tấn, trong khi Thành Thành Công - Biên Hòa không thu mua đường do các nhà máy sản xuất từ mía nguyên liệu trong nước. 

Như vậy, DN này lấy đâu ra lượng đường “khủng” như vậy để bán? Đặc biệt, theo thống kê của Hiệp hội Mía đường, hiện nhu cầu tiêu thụ đường trên cả nước đã vào khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Sau khi trừ đi lượng đường sản xuất trong nước và đường nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu, lượng đường nhập lậu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa là rất lớn.

Dù các tỉnh, thành là “điểm nóng” về đường lậu đã được cả Hiệp hội mía đường và Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhiều lần chỉ đích danh, nhưng phát biểu tại Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường do Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 30-10 vừa qua, ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước đã “cãi” rằng Bình Phước không phải là địa bàn “nóng” về buôn lậu đường. Bởi từ đầu năm 2018 đến thời điểm này, lực lượng chức năng của Bình Phước chỉ bắt được 4 tấn đường nhập lậu.

Thực tế lại hết sức khó hiểu khi địa bàn này dù không có nhà máy đường nào để sản xuất đường mía hoặc tinh luyện đường thô, nhưng từ lâu, Công ty TNHH MTV SX-TM-DV Thành Thành Phát BP đã có loại đường tinh luyện đóng bao 50 kg để cung cấp với số lượng lớn ra một loạt các tỉnh, thành trong khu vực. 

Gần đây nhất, ngày 21-10 vừa qua, lực lượng QLTT Bình Dương phối hợp với Cảnh sát kinh tế bất ngờ kiểm tra một kho hàng ở phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An. Tại kho hàng này, lực lượng kiểm tra đã phát hiện 3.390 bao đường cát loại 50kg/bao và 900 bao đường tinh luyện loạt 12kg/bao đều mang nhãn hiệu Thành Thành Phát do Công ty TNHH MTV SX - TM - DV Thành Thành Phát BP sản xuất. 

Ngoài ra, tại đây đoàn kiểm tra còn phát hiện 1.290 bao đường cát loại 50kg/bao do Thái Lan sản xuất; 7.500 vỏ bao đựng đường loại chứa 50kg/bao in nhãn hiệu Thành Thành Phát; 2.200 vỏ bao đựng đường loại chứa được 50kg/bao đã qua sử dụng mang nhãn hiệu của Thái Lan; 1.500 bao đựng đường mang nhãn hiệu “Cambodia” (Campuchia) đã qua sử dụng; 45kg bao nilon đựng đường chưa qua sử dụng… cùng một số máy khâu, chỉ may để phục vụ việc sang bao, biến đường nhập lậu thành đường nội địa. Chủ kho hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan nên QLTT đã tạm giữ gần 250 tấn đường lậu này.       

Về nguyên nhân vì sao có tới 6-7 lực lượng có trách nhiệm chống buôn lậu, lại được phân công chức năng nhiệm vụ rất rõ ràng nhưng hoạt động buôn lậu đường vẫn hoành hành nhiều năm qua, đại diện Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho rằng, công tác chống buôn lậu ở địa phương chưa triệt để. 

Thời gian qua, các lực lượng có trách nhiệm ở địa phương mới chỉ đấu tranh với hoạt động buôn bán, vận chuyển nhỏ, lẻ chứ chưa đánh thẳng vào các đối tượng là “trùm” trong các đường dây buôn lậu. 

Do đó không loại trừ tình trạng một số “trùm” buôn lậu tại các địa phương còn được hậu thuẫn. Để chống buôn lậu đường cát một cách triệt để, các lực lượng có trách nhiệm ở từng địa phương phải phối hợp chặt chẽ và đánh thẳng vào các đường dây, ổ nhóm buôn lậu đường cát chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhìn nhận, hoạt động chống buôn lậu đường vẫn chưa tương xứng với thực tế; lượng đường thẩm lậu vẫn vào nội địa bằng nhiều phương thức, thủ đoạn. 

Đặt vấn đề có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền hoặc lực lượng có trách nhiệm ở các địa bàn nóng dẫn đến tình trạng nổi cộm về hoạt động buôn lậu đường cát trên các tuyến biên giới, ông Cẩn khẳng định: “Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ có kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu và xử lý trách nhiệm của từng khâu, từng cấp trong công tác chống buôn lậu mặt hàng đường”. 

Cũng theo ông Cẩn, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo phải làm nghiêm; phải truy ngược đường đi của hàng lậu, trong đó có mặt hàng đường để xác định trách nhiệm của từng lực lượng trong việc kiểm soát hàng hóa nhập lậu trên địa bàn được giao quản lý.

Bảo Sơn
.
.
.