Đặc sản miền Tây Nam bộ giảm sản lượng vì COVID-19

Thứ Sáu, 22/01/2021, 11:16
Dịch bệnh COVID-19 và hạn mặn nên thị trường tiêu thụ các loại đặc sản cây trái ở miền Tây trong dịp Tết Nguyên đán 2021 giảm.


Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Năm nay là năm khó khăn cho nhà vườn tạo hình bưởi hồ lô. Thông thường để có bưởi hồ lô bán ngay dịp Tết Nguyên đán, nhà vườn phải xử lý cây ra hoa vào cuối tháng 5 âm lịch. “Tôi làm 4 mảnh vườn nhưng chỉ có một vườn cho trái như ý”, ông Thành nói. 

Cũng theo các nhà vườn, nhiều năm liên tục khai thác vườn bưởi phục vụ cho việc tạo hình nên cây lão hoá, sâu bệnh, năng suất giảm. Một số nhà vườn phải đốn bỏ trồng cây mới và 3 năm nữa mới cho trái. Vì vậy, dịp Tết năm nay, sản lượng bưởi hồ lô của các thành viên trong CLB trái cây tạo hình cung ứng cho thị trường giảm đến 90%.

Nhiều nhà vườn quýt hồng mở cửa cho khách tham quan.

“Năm nay, gom cả CLB và nhiều nguồn bên ngoài chỉ được 1.000 trái, còn mọi năm khoảng 10.000 trái. Bưởi hồ lô tài - lộc có giá 1 triệu đồng/trái, hồ lô thỏi vàng đồng tiền 1,3 triệu đồng/trái”, ông Thành cho hay. 

Anh Huỳnh Thanh Tâm (ngụ xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cũng than thở, ảnh hưởng bởi hạn mặn nên trọng lượng trái dừa tạo hình không đạt như mong muốn. Tỷ lệ trái đậu rất thấp. Năm nay anh Tâm cung ứng cho thị trường Tết bưởi tạo hình in chữ tài - lộc, phúc - lộc - thọ, thỏi vàng khoảng 500 trái, dừa hồ lô tài - lộc khoảng 1.500 trái.

Điều khiến nhà vườn lo lắng, năm nay dịch bệnh COVID-19 nên thương lái đặt hàng ít hơn, giá bán giảm từ 5-10% tùy từng loại. Những ngày qua, ông Huỳnh Công Thống (ngụ phường Tân Lộc, quận Nốt Thốt, TP Cần Thơ) tất bật chuẩn bị đơn hàng dịp Tết. Ông Thống là người lai tạo được giống cây nho thân gỗ, loại trái này gây sốt thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Giống cây này độc đáo ở chỗ trái có hình dáng giống trái sung, hương như rượu vang. Từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt. 

“Tôi đã chuẩn bị 200 chậu nho thân gỗ, loại cao từ 1-2m, giá bán từ 2 triệu đến 50 triệu đồng/chậu”, ông Thống nói. Cây có giá 2 triệu đồng thì có khoảng 300 gram trái, còn cây có giá 50 triệu đồng thì khoảng 4 kg trái. Giá bán giảm khoảng 30%, so với năm ngoài. Theo ông Thống, giá bán cây nho thân gỗ giảm do cạnh tranh với nho thân gỗ nhập từ Trung Quốc.

Còn tại huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), nhà vườn trồng quýt hồng cũng khá lo lắng vì thị trường trầm lắng. Ông Lưu Văn Ràng, chủ vườn quýt cho biết cùng thời điểm trước đây thương lái đã đến đặt mua hàng gần hết. Còn năm nay ảnh hưởng bởi mưa bão kéo dài đúng vào thời điểm nhà vườn xử lý ngăn ngừa sâu bệnh nên giảm năng suất rất nhiều. Theo Phòng NN-PTNT, các nhà vườn đã có kinh nghiệm phòng trị rất hiệu quả nhưng năm nay ảnh hưởng mưa nhiều nên không thể phun thuốc phòng trị được.

Tương tự Tết năm nay, thị trường tiêu thụ các loại đặc sản ở miền Tây trong dịp Tết Nguyên đán 2021 dự báo giảm so với mọi năm. Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng các chủ cơ sở sản xuất giữ giá bán vẫn ổn định giữ khách hàng. 

Ông Nguyễn Trường Chinh, Giám đốc Công ty chả hoa Năm Thuỵ (Trà Vinh) cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào tăng 20%, nhưng giá bán các loại sản phẩm vẫn ổn định, không tăng giá. Một số sản phẩm như: Giá chả hoa là 190.000 đồng/kg, chả lụa 200.000 đồng/kg, chả nhồi pa tê trứng muối giá 190.000 đồng/kg… 

“Năm nay nhiều khách không đặt hàng trước nên cơ sở không dám sản xuất nhiều, sản lượng sản xuất dịp Tết bằng 60-70% so với năm rồi”, ông Chinh nói.

Năm nay, làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cũng không xôm tụ như mọi năm. “Tình hình Tết năm nay khó khăn, dịch COVID-19 nên thị trường tiêu thụ rất chậm, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 20%”, ông Lương Văn Thông, một người làm bánh tráng ở cù lao Mây nói. 

Một số hộ sản xuất cá tra phồng ở An Giang cũng than thở vì dịch bệnh nên việc bán đặc sản rất chậm. Trong khi đó mắm cá tra, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của ông Chương Văn Khanh ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) lại tiêu thụ mạnh, tăng khoảng 30% so với thời điểm năm ngoái.

Văn Vĩnh
.
.
.