Đặc sản Việt lên ngôi trên thị trường Tết

Thứ Sáu, 25/01/2019, 08:56
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán. Sức mua trên thị trường đã bắt đầu sôi động hẳn lên. Theo ghi nhận của PV Báo CAND, so với thị trường Tết mọi năm thì các loại thực phẩm bán trên thị trường Tết năm nay chủ yếu tập trung các loại đặc sản của các địa phương trên khắp cả nước.

Đặc biệt, các loại sản phẩm hữu cơ, các loại đặc sản của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc rất được người tiêu dùng (NTD) ở TP Hồ Chí Minh ưa chuộng...

Bà Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương chợ Tân Định, quận 1, cho biết, sức mua tại các chợ truyền thống hiện nay không còn mạnh như trước nữa, phần lớn NTD họ chuyển sang mua sắm ở siêu thị nhiều hơn. Do đó, để kéo NTD đến chợ, tiểu thương cũng lo săn tìm các loại sản phẩm độc đáo, mới lạ để đưa ra trên thị trường Tết”.

Chị Hồng kể, cách đây khoảng 2 tháng, tại TP Hồ Chí Minh có tổ chức lễ hội sức khỏe và dinh dưỡng. Có rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhà vườn ở các tỉnh miền núi phía Bắc mang đặc sản của địa phương họ vào để giới thiệu đến các nhà phân phối ở TP Hồ Chí Minh. Thấy lạ, rất nhiều tiểu thương ở các chợ như: Bà Chiểu, Đa Kao, Tân Định, Thị Nghè, Hòa Hưng,… đến để tìm hiểu và mua về bán thử trong dịp Tết.

Nhiều sản phẩm rất được tiểu thương quan tâm như: nước chấm chẩm chéo là đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Bắc, được người bán giới thiệu làm từ rau thơm, rau rừng, tỏi, ớt… và hạt mắc khén. Nếm thử, thấy loại nước chấm ngày rất ngon và lạ dùng được cho cả ăn chay và mặn nên tôi cũng mua thử về bán, lúc đầu NTD chưa quen, nhưng giờ thì cũng tiêu thụ được. Riêng sản phẩm miến dong, có nguồn gốc tự nhiên của sản phẩm, không pha bất cứ loại hóa chất gì, thì NTD tiêu thụ mạnh.

Người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh rất ưa chuộng các loại đặc sản ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết: Gà thả đồi của cơ sở HTX Trần Phú, huyện Na Rì (Bắc Kạn) được chào bán với giá khá cao 220.000 đồng/kg, trong khi một số loại gà ta khác như gà Tây Ninh, giá bán chỉ 130 – 150.000 đồng/kg thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, cách thả nuôi, thức ăn, cách chăm sóc tốt, nên NTD vẫn hỏi mua loại gà này nhiều, nhưng tiểu thương không dám trữ bán vì thấy giá quá cao và cũng sợ nguồn hàng không ổn định.

Tại hệ thống siêu thị, rất đa dạng các loại đặc sản của các vùng miền núi phía Bắc như: Chanh dây, rau cải mèo, bí xanh,bí đỏ dài, su su, cải bắp, đậu ve vườn (Mộc Châu – Sơn La); cam, quýt (Hòa Bình); cam Hàm Yên (Tuyên Quang); bí phấn thơm, bí xanh (Bắc Cạn); thịt trâu gác bếp, thịt lợn sấy, miến đao Giới Phiên, măng khô (Yên Bái). Mặc dù có giá bán khá cao nhưng các loại đặc sản này rất hút người mua như: Cam Hòa Bình 29.900 đồng/kg, Quýt Hòa Bình 33.900 đồng/kg, thịt lợn sấy gác bếp 519.000 đồng/kg, thịt trâu sấy gác bếp 939.000 đồng/kg...

Một trong những nguyên nhân khiến các loại đặc sản các tỉnh miền núi phía Bắc tiêu thụ mạnh là do các loại đặc sản này có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)... Lấy ví dụ về đặc sản của công ty mình, ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi dẫn chứng, nguyên liệu măng đặc sản của công ty được thu hái từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… với nhiều loại khác nhau. Thời gian thu hoạch măng chỉ có hai vụ là mùa xuân (sau Tết Nguyên đán) và mùa thu (từ tháng 8 - 10 âm lịch).

Măng thu hoạch vào mùa xuân đặc sắc nhất là trúc quân tử. Đây là giống măng của người Dao mọc trên núi, nhưng hiếm. Nhưng khi thu hoạch, loại bỏ  đến 60%. Đã vậy, loại măng này rất “khó tính”, khi thu hái xong phải luộc ngay, nếu không sẽ bị già cứng hoặc bị thối. Vì vậy, công ty phải đầu tư luôn cả lò luộc dưới chân núi. Khi người dân hái xong, măng được bóc hết vỏ xong luộc ngay.

Sức mua tại hệ thống siêu thị từ nay đến Tết sẽ tăng mạnh. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa cũng như nguồn hàng, các hệ thống siêu thị hiện cũng đã kiểm soát chặt chẽ hàng hóa “đầu vào” để người dân yên tâm mua sắm. Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op (SGC) cho biết, đơn vị cũng vừa việc triển khai chương trình phổ biến kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của hệ thống bán lẻ của SGC cho các đơn vị cung cấp hàng hóa cho siêu thị.

Việc triển khai chương trình vào thời điểm này sẽ giúp SGC kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng hàng hóa đầu vào để phục vụ mùa cao điểm mua sắm Tết sắp tới. Các nhóm hàng hóa chủ lực Tết sẽ được tăng cường tần suất kiểm tra lên từ 5 đến 10 lần để đảm bảo độ an toàn, tươi ngon. Để phục vụ Tết, SGC cũng đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa và hàng bình ổn giá với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.

T.Hà
.
.
.