Đà Lạt khẩn trương trồng rau ngắn ngày phục vụ các tỉnh, thành có dịch COVID-19

Thứ Hai, 19/07/2021, 08:35
Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để đáp ứng nhu cầu về rau xanh trong những bữa ăn hằng ngày của người dân các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 và các khu cách ly, nhà vườn tại TP Đà Lạt và các huyện lân cận đang tăng tốc xuống giống, trong đó ưu tiên trồng các loại rau ngắn ngày.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thức, ngụ khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt, lập tức thuê người cày vỡ đất, lên luống để trồng rau ngay. Lần này, gia đình ông Thức chọn xuống giống xà lách xoăn, loại rau ngắn ngày, chỉ mất hơn 20 ngày từ khi trồng sẽ được thu hoạch. 

Các loại rau ngắn ngày đang được ưu tiên gieo trồng.

Ông Thức cho biết, hiện nay nhu cầu rau xanh để cung cấp cho người dân các tỉnh, thành và khu cách ly chống COVID-19 ở phía Nam đang rất lớn. Mặc dù mới xuống giống vườn rau xà lách được vài ngày nhưng đã có thương lái tới gặp ông Thức thỏa thuận đặt cọc để mua vườn rau này. Tuy nhiên, gia đình ông Thức từ chối “bán non” vì cho rằng đến thời điểm được thu hoạch, giá rau xà lách xoăn trên thị trường sẽ còn cao hơn lúc này.

Tương tự, hộ ông Triệu Văn Linh, ngụ phường 8, TP Đà Lạt, cũng vừa xuống giống hơn 2.000m² tần ô (cải cúc). Đây cũng là loại rau ngắn ngày, so với nhiều loại rau khác thường phải mất từ 2-3 tháng mới được thu hoạch thì cải cúc chỉ mất chỉ khoảng 30 ngày từ khi xuống giống. Ông Linh cho biết, khi TP Hồ Chí Minh vừa bùng phát dịch, rau cải cúc rất khó tiêu thụ. Tuy nhiên, trước tình trạng ngày càng khan hiếm rau xanh để cung cấp cho các tỉnh, thành đang bùng phát dịch bệnh COVID-19 cùng các yếu tố bất lợi về thời tiết khi đã vào mùa mưa như hiện nay, các loại rau tại Đà Lạt và huyện lân cận, trong đó có cải cúc hiện tại đã tăng giá mạnh trở lại.

Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vietfarm (phường 8, TP Đà Lạt) cho biết, hiện đang là cao điểm mùa mưa nên chắc chắn năng suất, chất lượng rau sẽ giảm mạnh, giá cả được dự báo còn tăng cao. Điều mà ông Hải cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang lo lắng hiện nay nữa là chi phí xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 cho tài xế khá cao, giá xăng dầu cũng tăng mạnh, tài xế, phụ xe phải thuê chỗ ở tập trung sẽ làm đội chi phí vận chuyển nông sản từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh và các vùng có dịch COVID-19. 

“Sự khan hiếm rau, củ, quả, một phần do phân phối không đồng đều giữa các vùng, địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nhiều nơi giá cả nông sản tăng vọt, nay phải gánh thêm chi phí vận chuyển do giá nhiên liệu, xét nghiệm, chi phí cho tài xế ở cách ly... chắc chắn giá rau tới người tiêu dùng khó có thể như thời điểm bình thường!..”, ông Nguyễn Đông Hải cho biết.

UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu cung ứng rau, củ, quả đáp ứng một phần nhu cầu của người dân các tỉnh, thành trong vùng có dịch. Đối với rau, củ, quả phục vụ nhu cầu thị trường, tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc cung ứng với giá bình ổn, thấp hơn 30% so với mức giá thị trường. 

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng dành một phần rau, củ, quả hỗ trợ không thu tiền để cung cấp cho khu vực cách ly và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản rà soát toàn bộ diện tích trồng rau, củ, quả hiện có trong tỉnh nhằm xác định cụ thể về diện tích, sản lượng, chủng loại và thời gian thu hoạch để có kế hoạch thu mua, cung ứng theo yêu cầu của các địa phương trong vùng có dịch.

Trước mắt, tỉnh Lâm Đồng ưu tiên gieo trồng các loại rau ngắn ngày để đưa vào kế hoạch cung ứng kịp thời cho các tỉnh, thành có dịch COVID-19 đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lâm Đồng có trách nhiệm hướng dẫn các biện pháp cụ thể cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ nông sản tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng dịch COVID-19 kịp thời, chất lượng.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 20.000ha đất chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả, tập trung nhiều nhất tại TP Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Lạc Dương và Đức Trọng. Hằng năm, Lâm Đồng cung cấp hàng triệu tấn nông sản, thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Khắc Lịch
.
.
.