ĐBSCL cần gì để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm?

Thứ Ba, 12/12/2017, 15:28
Ngày 12-12, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL”.

Theo các đại biểu tham dự Hội nghị, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, chiếm hơn 40% sản lượng của cả nước. Cụ thể, sản lượng lúa đạt 25,2 triệu tấn/năm (chiếm 56 % sản lượng cả nước), thủy sản 3,62 triệu tấn/năm (chiếm 57 sản lượng cả nước), đặc biệt với hơn 300.000 ha rau màu và cây ăn quả với một số đặc sản, như: xoài, dừa, thanh long, măng cụt, sầu riêng, nhãn, bưởi, cam,… có thể cho sản lượng quanh năm. Đây là tiềm năng để phát triển các chuỗi giá trị xuất khẩu có kim ngạch lớn, đạt 1 tỷ USD.

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, trên 150 đại biểu trong và ngoài nước đã cùng nhau bàn bạc, tham luận, tạo sự kết nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, thương mại thực phẩm tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. 

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL là vùng nguyên liệu quan trọng cho thực phẩm Việt Nam. Hiện nay, ngành thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế xã hội. 

Vì vậy, để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp một cách bền vững, các cơ quan quản lí và doanh nghiệp phải phát triển thị trường thông qua việc nâng cao giá trị và chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu. Từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm vùng ĐBSCL trên thị trường thế giới.

Ông John G Keogh, Chuyên gia Quản lí chuỗi cung ứng toàn cầu, nhấn mạnh: “Hiện nay, tính minh bạch của chuỗi cung ứng là mức độ mà tất cả bên liên quan có thể hiểu rõ và tiếp cận các thông tin liên quan đến sản phẩm họ yêu cầu. Đặc biệt, thông tin về sản phẩm phải chính xác và không được chậm trễ. Tính minh bạch được xem là tấm vé để buôn bán. Nếu một liên kết yếu kém sẽ có thể làm hỏng danh tiếng của đất nước…”.

Xác định sản phẩm đặc thù của địa phương là cần thiết để nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, tính đến hiện nay, ĐBSCL thu hút được  1.411 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí hơn 20 tỷ USD. Trong đó, hình thức  đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 65 % còn lại là liên doanh, hợp đồng BOT, BT, hợp tác kinh doanh,… Việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư và thương mại ĐBSCL được quan tâm, tạo điều kiện để làm tiền đề đột phá, thế nhưng việc này vẫn còn rất hạn chế. Liên kết chưa thật sự đi vào chiều sâu, tính hiệu quả chưa cao, vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp còn thấp. 

Trong giai đoạn 2017 – 2020, vùng ĐBSCL vẫn còn khá nhiều tiềm năng để đầu tư, khai thác. Hiện vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, nam Sông Hậu và vùng Đất Mũi Cà Mau. Với hơn 60 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, hầu hết các địa phương tập trung nhiều vào các dự án nhà máy chế biến, bảo quản thực phẩm, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Trần Lĩnh
.
.
.