Cuộc đua giành thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam

Thứ Bảy, 23/03/2019, 06:34
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD...


Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến cuộc đổ bộ của những ông lớn nước ngoài, với làn sóng đầu tư mới đã và đang tạo nên làn gió mới trong xu hướng tiếp cận và phục vụ khách hàng trong kỷ nguyên số. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn, nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt.
Làn sóng doanh nghiệp đang đổ vốn vào thị trường bán lẻ

Tại Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 20-3 tại Hà Nội, PGS. TS. Lê Xuân Đình - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh, ở Việt Nam, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. 

Đây là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt Nam và DN FDI, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng nội chiếm hơn 80% trên các hệ thống bán lẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...).

Thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD.

Có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng DN tăng cao, ngành sản xuất phục hồi, kiều hối tăng, lãi suất cho vay giảm… là những nhân tố chính góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của người dân.

Kết quả của nó là một làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục “đổ” vào ngành bán lẻ Việt Nam. Trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Theo bà Nga, so với tình hình thực tế phân bố dân cư ở Việt Nam thì mạng lưới bán lẻ còn thưa thớt, nhiều dư địa để phát triển. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần 1-3 cửa hàng tiện lợi. Đây chính là khoảng trống để các DN bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… DN bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

Không chủ động sẽ thua ngay trên sân nhà

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. 

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN trở thành hiện thực từ năm 2015... Tất cả những điều kiện thuận lợi trên đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, theo CIEM, Việt Nam đứng thứ 2 trên 54 quốc gia được khảo sát về phân phối và bán lẻ. Và đây cũng là ngành được nhiều đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp lớn nhất.

Ông Nguyễn Tiến Vượng- Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, nhiều cạnh tranh, nếu DN Việt Nam không chủ động hội nhập, có chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài thì sẽ mất vị thế của mình ngay trên sân nhà.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia ngành bán lẻ cho biết, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ, các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh của mình.

Bà Lê Việt Nga cũng cho biết thêm, về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ. Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trong nước. Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online, phát triển mạnh thương mại điện tử.

Lưu Hiệp
.
.
.