Các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp lễ, tết cuối năm

Thứ Sáu, 28/09/2018, 19:01
Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, tính đến ngày 24-9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm... Các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018...


Tại buổi họp báo thường kỳ quý III do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, đánh giá về tình hình dịch bệnh 9 tháng đầu năm, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, tính đến ngày 24-9, không có địa phương nào có dịch tai xanh, lở mồm long móng và cúm gia cầm. 

Trong tháng 9, thị trường tiêu thụ và giá các sản phẩm thịt bò, thịt gia cầm ổn định; giá thịt lợn duy trì mức giá cao (thịt lơn hơi khoảng 50.000 – 55.000 đồng/kg), người chăn nuôi có lãi.

Hy vọng sẽ được xoá “thẻ vàng” vào đầu năm 2019

Ông Thành cũng cho biết, các cơ sở chăn nuôi đang chuẩn bị nguồn hàng, phục vụ cho dịp lễ, tết cuối năm 2018 nên tổng đàn lợn cả nước đã tăng nhanh hơn so với thời gian trước. Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.

Thuỷ sản đang là mũi nhọn dẫn đầu ngành nông nghiệp

Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến dư luận đồn đoán xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại Nam Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, trước hiện tượng 3 con lợn chết bất thường ở địa phương này, các cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm nghiệm đồng thời tại 4 phòng kiểm nghiệm bằng phương pháp hiện đại nhất. Kết quả hoàn toàn âm tính với virus dịch tả lợn Châu Phi. Nguyên nhân được xác định là do bệnh tai xanh kết hợp tiêu chảy. 

Ông Tuấn cũng khẳng định: “Do bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện nay chưa có vaccine phòng và chưa có thuốc đặc trị nên các biện pháp của chúng ta hiện nay tập trung vào phòng là chính. Về phương tiện, điều kiện kiểm nghiệm của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được các điểm nếu có nghi ngờ xuất hiện dịch bệnh, kể cả với lợn nhập lậu chuyển vào nội địa”. 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý, cần có sự phối hợp quản lý chặt chẽ ngăn chặn tình trạng nhập lậu lợn tại các khu vực biên giới, cửa khẩu. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 8 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương và đầu tháng 10 sẽ tiếp tục có thêm nhiều đoàn kiểm tra khác. 

Liên quan đến tình hình thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban Châu Âu (EC) liên quan đến “thẻ vàng”, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đây là giai đoạn nước rút nên việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác được triển khai rộng khắp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý khai thác hải sản để giảm thiểu khai thác tận diệt, hướng tới khai thác ổn định, bền vững.

 Nhìn nhận tổng thể, trong những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác thủy sản biển, ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, dịch vụ hậu cần nghề biển phát triển. Lượng cá nổi ở vụ cá nam và vụ cá bắc xuất hiện tương đối dày đặc. 

Trong thời gian tới, Bộ cũng chỉ đạo tập trung việc tháo giỡ thể vàng để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU; hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra về chống khai thác bất hợp pháp tại một số địa phương và tiếp tục chỉ đạo sản xuất, đặc biệt với tôm, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể dán tem chống làm giả biển xe hộ đê

Trước hàng loạt câu hỏi của báo giới về tình trạng xuất hiện hàng loạt xe ô tô mang biển hộ đê giả, trong đó có rất nhiều xe sang mang biển trắng, không phải là xe công vụ, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai giải thích, việc cấp biển xe hộ đê của văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là đúng quy định và làm chặt chẽ. 

Đến nay theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai thì có 858 hồ sơ xin cấp biển xe hộ đê nhưng chỉ cấp cho 568 hồ sơ hợp lý. Việc cấp biển xe hộ đê do Ban chỉ đạo Trung ương và các ban chỉ huy ở các địa phương thực hiện. Sau khi rà soát, Tổng cục Phòng chống thiên tai phát hiện có một số xe được cấp biển xe hộ đê hợp pháp nhưng lại sử dụng không đúng quy định như hết hạn nhưng vẫn tiếp tục sử dụng, một số là biển giả. 

Còn theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, tình trạng sử dụng biển hộ đê giả rất nghiêm trọng và các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi như lấy biển hộ đê cũ rồi photo hoặc scan để qua trạm. Thậm chí còn giả cả con dấu, chữ ký, mẫu mã...

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai trả lời báo chí vấn đề liên quan nạn sử dụng biển xe hộ đê giả.

Liên quan đến các giải pháp ngăn chặn vấn nạn xài biển xe hộ đê giả nhằm trốn phí khi qua các trạm, ông Nguyễn Đức Quang cam kết, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ rà soát lại các xe được cấp biển xe hộ đê và bổ sung thêm quy trình cấp xét xe hộ đê, đặc biệt là sẽ xem xét cả lý lịch xe, yêu cầu gửi cả ảnh chụp biển xe xem có đúng xe công vụ biển xanh không. 

Hàng năm,Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ thay đổi mẫu biển xe hộ đê, cần thiết thì dán tem nhãn chống làm giả. Đối với những địa phương cấp quá nhiều biển cho xe hộ đê như trường hợp tại tỉnh Hải Dương, người có quyền cấp biển phải chịu trách nhiệm. Theo ông Hoài, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã có văn bản giải trình về tình trạng cấp số lượng lớn biển hộ đê.

NY
.
.
.