Chuyển giá: Ám ảnh thất thu ngân sách
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), mỗi năm có khoảng từ 40-50% số DN FDI kê khai lỗ nhưng vẫn hoạt động bình thường, thậm chí mở rộng quy mô kinh doanh.
Thực tế công tác đấu tranh kiểm soát chuyển giá trong những năm gần đây cho thấy, có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo một tổng hợp báo cáo của cơ quan thuế, trong khoảng 5 - 6 năm qua cho thấy đã có khoảng 1,5 tỷ USD số tiền giảm lỗ và số truy thu thuế là 10.000 tỷ đồng.
Thực tế tại Việt Nam, nhiều cuộc họp bàn cũng như các cuộc hội thảo để nói về chuyển giá, đại cuộc chống chuyển giá đã được đưa ra. Nhưng nhìn lại trong quá khứ cũng như những thực trạng đang chỉ ra cho thấy, chống chuyển giá vẫn là một bài toán khó.
Nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn tối đa hóa lợi nhuận, và đã sử dụng nhiều chiêu trò khác nhau giảm lợi nhuận để tránh thuế. Nhiều doanh nghiệp trong đó có Coca - Cola, Metro, Adidas, đại gia bất động sản Keangnam-Vina (Hàn Quốc) đã từng lọt vào danh sách các đối tượng bị nghi vấn chuyển giá, giao dịch liên kết, trốn thuế lớn trong cuộc điều tra chống chuyển giá của ngành thuế.
Chẳng hạn như MetroCash & Carry Việt Nam tiền thân của tên gọi MMMega Market bắt đầu kinh doanh ở nước ta năm 2002 vơi số vốn ban đầu 120 triệu USD. Với quãng thời gian 12 năm hoạt động, 2002-2013, Metro Việt Nam đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư tại Metro Việt Nam lên hơn 300 triệu USD song Metro Việt Nam luôn kê khai lỗ với số tiền lên tới 1.657 tỷ đồng, chỉ có duy nhất 1 năm lãi 173 tỷ đồng.
MetroCash & Carry Việt Nam bị truy thu thuế vì chuyển giá gian lận. |
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài phân tích: “Nếu hành vi giao dịch liên kết đẩy giá mua vào cao lên, đẩy giá bán ra thấp đi tại thị trường Việt Nam, thì lợi nhuận ở Việt Nam sẽ giảm đi, thậm chí không có lợi nhuận thì họ sẽ không phải đóng thuế ở Việt Nam. Hành vi đó được định nghĩa là hành vi chuyển giá bất hợp pháp và làm tổn hại thuế mà Chính phủ Việt Nam đáng nhẽ phải thu được”.
Tuy nhiên, ông Wayne Barford, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, Cựu trợ lý Ủy viên Sở Thuế vụ Úc khẳng định: “Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp”.
Một chuyên gia khác, bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam cũng đã đưa ra hai mặt khác nhau của vấn đề chuyển giá, đó là “lạm dụng chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận” và “hoạt động chuyển giá tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế”.