Xây dựng các đặc khu kinh tế:

Chủ động tạo “sân chơi mới” với thể chế vượt trội

Thứ Bảy, 19/05/2018, 09:35
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam”.

Tại hội thảo Đặc khu – Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công, ngày 18-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “Việt Nam đã mạnh dạn, chủ động xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam”.

Thận trọng khi xây dựng Luật Đặc khu

Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu lần đầu tiên được xây dựng, cho sự ra đời chính thức của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). 

Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế; đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này. 

Theo đó, các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính. Một là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới. 

Các đặc khu này cũng sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân. 

Hai là, chủ động tạo ra một “sân chơi mới” với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.

Xây dựng những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư ngay tại lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cũng chia sẻ, xây dựng dự án Luật Đặc khu là vấn đề mới, vấn đề khó, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. 

Vì thế, xây dựng một bộ luật phải thận trọng, phải cập nhật với thông lệ quốc tế, nhưng cũng không nên quá cầu toàn. “Trong quá trình thực tế, nếu cần bổ sung hoàn thiện, thì sẽ bổ sung hoàn thiện”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới cho biết, các khu công nghiệp đã trở thành công cụ chủ chốt để đổi mới chính sách và cải cách kinh tế, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế trên thế giới cũng như ở Việt Nam. 

Mặc dù, các khu công nghiệp được thiết kế và triển khai tốt đem lại lợi ích rõ ràng, nhưng vẫn có rủi ro gắn liền với việc phân mảnh trong môi trường pháp quy, lệ thuộc quá mức vào các ưu đãi, và quản trị các đặc khu kinh tế.  

Do đó, để tối đa hóa lợi ích và hạn chế rủi ro, việc thành lập và thiết kế các đặc khu kinh tế nên được gắn chặt với chiến lược toàn diện về phát triển công nghiệp và đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung lựa chọn vị trí, tinh kết nối, dịch vụ hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh...

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Ông Sebastian Eckardt đánh giá, Việt Nam hết sức thành công thu hút đầu tư nước ngoài, đã có gần 100 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp. 

Các khu công nghiệp hiện tại là 1 phần câu chuyện thành công của Việt Nam. Hiện hầu hết, nguồn lực của Việt Nam đầu tư tập trung các khu công nghiệp, các khu kinh tế mở phát triển, Việt Nam có gần 330 khu công nghiệp, ngoài ra có khu công nghệ cao, nhưng không phải tất cả đều khả thi, chỉ khoảng 56% là thành công. 

Điều này cho thấy chúng ta đã phát triển nhiều hơn so với yêu cầu. Các đặc khu kinh tế cần được coi là nhân tố, yếu tố thành công và phải tính đến thay đổi quốc tế. Những đặc khu kinh tế cũ thành công như ở Trung Quốc, Singapore... chưa chắc đã là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam. 

“Chúng ta không muốn nhìn thấy đặc khu như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn”, ông Sebastian nói.

Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế.

Đại diện địa phương có xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chúng ta cần xác định nhà đầu tư sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của các đặc khu kinh tế. 

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến mạnh mẽ nhằm thu hút các nhà đầu tư.  Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện căn bản hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới. 

Cho đến nay, Dự án Luật đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp thu ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan, đặc biệt là ý kiến tư vấn, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, trong đó có các tổ chức, cơ quan tư vấn có uy tín trên thế giới như BCG, PWC, AVSE, Tổ chức Khu tự do Thế giới (WFZO)…   

Phan Đức
.
.
.