Cẩn trọng lạm phát tăng cao theo giá xăng dầu

Thứ Sáu, 19/04/2019, 09:58
Sau cú sốc tăng giá điện tới 8,36%, giá xăng trong nước 2 kỳ vừa qua đều tăng “khủng”, tổng cộng tới 2.7000 đồng/lít, tức tăng tới 12%. Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng tới 17%. Câu chuyện giá xăng tăng ảnh hưởng đến lạm phát lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.


Trong buổi họp báo thường kỳ Quý I/2019 mới đây, cơ quan quản lý giá thuộc Bộ Tài chính đã đưa ra 3 kịch bản tăng giá xăng để điều hành giá. Cụ thể, ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá cho biết, trong tất cả các kịch bản điều hành giá năm 2019 đều xác định giá xăng dầu là yếu tố quan trọng, và gắn giá xăng dầu theo từng kịch bản điều hành giá để đảm bảo đúng mục tiêu lạm phát của Quốc hội đề ra là dưới 4%.

Trong 3 kịch bản điều hành giá có tính mức độ tăng giá xăng dầu, nếu giá tăng 5% tác động CPI bình quân 2019 là 3,4%; với kịch bản giá xăng dầu tăng 10%, CPI 2019 vào cỡ khoảng 3,7%, còn nếu theo kịch bản 3, giá thế giới tăng 15%, CPI vào khoản 3,8-3,9%. Ba kịch bản này được Bộ Tài chính báo cáo ban chỉ đạo điều hành giá và được thống nhất việc điều hành xoay quanh 3 kịch bản này, đồng thời theo từng quý sẽ có kịch bản chi tiết.

Như vậy, với lần tăng này, giá xăng dầu đã vượt qua kịch bản giá cao nhất mà Bộ Tài chính đưa ra. Đấy là chưa kể, hầu hết các chuyên gia, cũng như chính Bộ Tài chính đều thừa nhận giá xăng dầu là một ẩn số, khó có thể dự báo sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới. Việc bị động này khiến cho việc điều hành giá sẽ gặp nhiều khó khăn, cho dù đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63% - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Giá xăng tăng hơn 17% kể từ đầu năm.

Tuy nhiên, lạm phát tính theo năm có xu hướng tăng dần trong 3 tháng đầu năm, lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%. Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 vừa được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) bày tỏ quan ngại khi CPI quý I chưa hề phản ánh việc giá điện tăng mạnh tới 8,36% từ ngày 20-3 và cảnh báo, nền kinh tế trong quý II/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% vào ngày 20-3 có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%.

Theo kịch bản mà tổ chức này đưa ra, lạm phát của năm 2019 trong quý II là 2,78%, quý III 3,26%, quý IV 4,2%. Với các con số dự kiến trên, lạm phát cả năm 2019 khoảng 3,2%. Tuy nhiên, kịch bản lạm phát trên của VEPR có thể chưa lường tới việc giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo thế giới.

Trước mắt, theo Nhóm nghiên cứu về giá, trong tháng 4, bên cạnh giá xăng tăng mạnh 2 lần, cộng với độ trễ của giá điện tăng được phản ánh vào, thì một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá, như thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa nóng, cùng với việc có 2 kỳ nghỉ lễ là Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày 30-4, 1-5 nên theo quy luật hàng năm, giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình… có thể tăng nhẹ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giá điện, xăng tăng khiến mặt bằng giá đối mặt với rủi ro tác động tăng giá kép, thậm chí không loại trừ việc tăng giá kiểu “té nước theo mưa”. Theo ông Long, CPI trong quý II sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số liệu bình quân cả năm, do đó, công tác điều hành giá phải thận trọng, đảm bảo kiểm soát mức CPI bình quân theo đúng mục tiêu đề ra.

Còn từ phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 4, cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có biến động nhiều về cung cầu như thịt lợn, lương thực (nhu cầu xuất khẩu đang yếu trong khi nguồn cung tăng do bước vào vụ thu hoạch); các mặt hàng có nhu cầu tăng cao theo quy luật hàng năm.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, sẽ tiếp tục chú trọng đảm bảo an ninh năng lượng, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới, kết hợp với việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá...

Hà An
.
.
.